Làng nghề "lên" cụm công nghiệp: Xử phạt chủ đầu tư - tập đoàn Hanaka

Cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka - chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá.

Trong bài viết: “Làng nghề “lên” cụm công nghiệp: Bất ngờ vì giá thuê gấp 6 lần khu công nghiệp”, Báo Lao Động đã phản ánh việc nhiều người dân thôn Mẫn Xá (Yên Phong, Bắc Ninh) bày tỏ sự bức xúc liên quan đến dự án Cụm Công nghiệp làng nghề Mẫn Xá. Theo người dân, thời điểm thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án, chủ đầu tư có hứa hẹn với họ sẽ cho thuê lại đất tại cụm công nghiệp với giá ưu đãi 4 triệu đồng/m2, tuy vậy sau đó tăng lên gấp 2, gấp 3 lần. Thậm chí giá thuê đất tại cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá còn cao gấp tới 6 lần giá thuê tại các khu công nghiệp cùng địa bàn.

Làng tái chế nhôm Mẫn Xá. Ảnh: PV.

Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi xác định được, thực chất Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá vẫn chưa đủ điều kiện để giao dịch, cho thuê nhưng chủ đầu tư đã giao dịch xong 50% dự án.
Kinh doanh rầm rộ khi chưa đủ điều kiện

Nhiều giao dịch cho thuê diện tích đất làm nhà xưởng (thời hạn 50 năm) tại Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá diễn ra ngay sau khi chủ đầu tư là Công ty cổ phần tập đoàn Hanaka vừa hoàn thành xong việc thu hồi đất ruộng của người dân.

Như trường hợp của Đ.T.P (TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) ký hợp đồng thuê khu đất 200 m2 tại dự án trên với giá 1,6 tỉ đồng từ tháng 6.2019. P. nói với chúng tôi đây là suất "ngoại giao" nên có vị trí đẹp bậc nhất dự án.

"1,6 tỉ là giá trên hợp đồng, thực tế tôi phải bỏ ra 2,2 tỉ mới có thể thuê 200m2 đất này. 600 triệu là tiền chênh ngoài hợp đồng", P. kể.

Nhiều trường hợp khác như bà M.T (Yên Phong, Bắc Ninh) thuê khu đất hơn 200m2 tại Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá với giá 1,1 tỉ đồng từ tháng 4.2020; bà T.T (Yên Phong, Bắc Ninh) cũng thuê lô đất 200 m2 với giá 1,1 tỉ vào tháng 5.2020. Có những trường hợp thuê nhiều lô cạnh nhau để mở xưởng lớn từ cuối năm 2020.

Theo các hợp đồng thuê đất mà phóng viên thu thập được, phương thức thanh toán được chia làm 3 đợt, có dấu đỏ của Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka và chữ ký của Phó Tổng Giám đốc Vũ Anh Tuấn.
Ông Mẫn Văn Phúc (Mẫn Xá, Văn Môn) tỏ ra bức xúc: "Thu hồi đất ruộng của người dân với giá hơn 400 nghìn đồng/m2, chưa hoàn thiện hạ tầng, thậm chí mới đổ xe cát đầu tiên đã phân lô cho thuê hàng tỉ đồng/lô. Chủ đầu tư quá lợi nhuận".

Vào cuộc chậm trễ

Ngày 18.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Tiền, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Yên Phong cho biết, việc chủ đầu tư cho thuê đất, huy động vốn khi chưa hoàn thiện hạ tầng là trái quy định của pháp luật.

Trước đó 1 ngày - ngày 17.3.2021, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Yên Phong đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực trật tự xây dựng đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka với 3 hành vi gồm: Kinh doanh BĐS mà BĐS đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định; khởi công xây dựng khi chưa đủ điều kiện theo quy định và vi phạm quy định về trật tự xây dựng.

Luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: "Tính đến thời điểm này, các hợp đồng thuê đất tại dự án cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá hoàn toàn có thể bị tuyên vô hiệu, do không phù hợp với quy định của pháp luật".

Theo tài liệu chúng tôi thu thập, ngày 12.5.2020, UBND xã Văn Môn đã có báo cáo gửi đến UBND huyện Yên Phong và Phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện này về dấu hiệu vi phạm của chủ đầu tư.
Trong báo cáo nêu rõ: "Hiện nay xuất hiện một số hộ dân xây dựng nhà xưởng thuộc dự án Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá mà việc xây dựng hạ tầng - kỹ thuật của dự án chưa xong. Để đảm bảo công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn xã Văn Môn theo đúng quy định, UBND xã Văn Môn xin được báo cáo UBND huyện, phòng kinh tế hạ tầng được biết...".

Tuy vậy, không hiểu vì lý do gì, gần 1 năm sau, ngày 17.3.2021, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Yên Phong mới tiến hành lập biên bản vi phạm với chủ đầu tư của dự án.
___________________

Người dân chịu hậu quả

Trong đơn phản ánh gửi đến Báo Lao Động, một số hộ sản xuất tại làng nghề Mẫn Xá cho rằng, theo quy định, Cụm Công nghiệp làng nghề là để phục vụ di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trong làng nghề, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phát triển nghề, làng nghề ở địa phương.

Trong khi đó, tại Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá đang xảy ra tình trạng, người thuê đất không phải là cơ sở sản xuất, kinh doanh như quy định mà là cá nhân đứng ra thuê rồi cho thuê lại để hưởng lợi nhuận. Việc kinh doanh bất động sản trái phép tại dự án của chủ đầu tư đã gián tiếp đẩy mức giá thuê đất lên cao gấp nhiều lần giá thuê trung bình tại các khu công nghiệp trên địa tỉnh. Nhiều hộ sản xuất làng nghề muốn di chuyển xưởng sản xuất ra cụm công nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm như quy hoạch của UBND tỉnh Bắc Ninh, nhưng không thể kham nổi giá thuê.

_________________

TRẦN TUẤN (Báo Lao Động)



Y hoc cổ truyền và ung thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét