Phố đàn Nguyễn Thiện Thuật- Làng đờn quận 4.


Ở Tp.HCM có một con đường được nhiều người gọi là phố đàn, đó là con đường Nguyễn Thiện Thuật nằm trên địa bàn quận 3. Gọi là phố đàn nhưng chỉ chừng mười mấy cửa hàng bán đàn tập trung ở khu vực đầu đường Nguyễn Thiện Thuật giáp với Nguyễn Thị Minh Khai. Những cửa hàng này có cái thâm niên đã mấy chục năm, nhưng có cái cũng chỉ mới mở vài ba năm với những cái tên như: Dung đàn,  Guitar gỗ, Ngọc Hồ,  Bình Guitar... Ở các cửa hàng đàn này có thể tìm thấy các loại đàn: mandoline, organ, ekulele, flamenco, guitar, violon và nhạc cụ dân tộc. Không chỉ bán đàn, ở đây còn mở các lớp dạy đàn guitar, violon,  piano, organ... từ sơ cấp đến trung cấp cho trẻ em và người lớn.

Phố đàn Nguyễn Thiện Thuật được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Các cửa hàng đàn ở đây hầu hết lấy hàng từ những cơ sở làm đàn ở quận 4. (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam)

Hỏi chuyện một chủ hiệu đàn được  biết, phần lớn đàn guitar được cung cấp từ cơ sở làm đàn ở quận 4. Đây là cơ sở duy nhất còn lại của làng đờn quận 4. Trước giải phóng, ở quận 4 có một làng nghề làm đàn, người miền Nam gọi đàn là đờn. Lúc bấy giờ phong trào nhạc Tây mới du nhập vào nước ta nên giới trẻ rất thích đàn Tây ban cầm, còn  gọi là guitar, vì vậy nghề làm đàn cũng có chỗ đứng. Trải qua những thăng trầm của thời cuộc, nhất là giai đoạn những năm đầu sau giải phóng, kinh tế khó khăn, lượng đàn tiêu thụ giảm cùng với sự phát triển của nhạc cụ điện tử, đàn guitar của làng đờn quận 4 ngày một thu hẹp, nhiều thợ bỏ nghề, đến nay chỉ còn một cơ sở duy nhất của ông Nguyễn Văn Trân với thương hiệu Ba Đờn ở hẻm 84 Đoàn Văn Bơ.

Ông Trân cho biết, làng đờn quận 4 được hình thành đến nay có trên 60 năm năm. Riêng gia đình ông Trân đến nay là  3  đời theo nghề kể từ những năm 60 khi  ông từ Bến Tre lên Thành phố học nghề. Vì yêu cái nghề rất tài tử này nên có những lúc vô cùng khó khăn song ông  Trân vẫn quyết tâm giữ nghề và truyền lại cho các con, các cháu. Hiện nay, cả 7 đứa con của ông đều theo nghề làm đàn. Để đáp ứng yêu cầu tiêu thụ ngày càng cao, cơ sở Ba Đờn đã chuyển về địa chỉ E1/17C ấp 5 xã Phong Phú huyện Bình Chánh, đó là cơ sở1, cơ sở 2 ở số 320/29 Độc Lập p Tân Quý q Tân Phú, cả 2 cơ sở có trên 100 công nhân, mỗi tháng sản xuất trên 5000 cây đàn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số nước.

Làm cần đàn là một trong những công đoạn phức tạp cần độ chính xác cao. (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam)

Được biết, nguyên liệu sản xuất chính là gỗ thông hay hồng đào. Qúa trình làm một cây đàn qua nhiều công đoạn gồm: đóng thùng, sơn mặt, dán chỉ viền, ráp cần, ráp ngựa, dán chỉ trong và khâu cuối cùng là sơn và ráp trục. Đối với cây đàn âm thanh là quan trọng nhất, mà âm thanh có bay bỗng hay không là do thùng đàn, vì vậy, thùng đàn bao giờ cũng được giao cho thợ có tay nghề cao. 

Trong cuộc sống vội vã hiện nay,  sự phát triển của công nghệ thông tin đem lại nhiều loại hình giải trí đa dạng, song vẫn có nhiều bạn trẻ nhất là giới sinh viên học sinh lại rất yêu thích cây đàn guitar. Những tiếng đàn giọng hát đã làm cho bạn bè xích lại gần nhau hơn. 
Ông Nguyễn Văn Trân, biệt danh "Ba Đờn" - người có thâm niên và là chủ của dòng họ hiện có ba đời theo nghề làm đàn, đang kiểm tra chất lượng của một lô hàng tại cơ sở Trạng Kiều. (Ảnh: Báo ảnh Việt Nam)

Với sự phát triển nhanh chóng của thời đại kỹ thuật số hiện nay, thì việc giữ gìn và phát huy một nghề truyền thống văn hóa của cơ sở duy nhất còn sót lại của làng đờn quận 4 thật đáng trân trọng và phát huy.

Và phố đàn Nguyễn Thiện Thuật vẫn ngày một nhộn nhịp hơn với những người yêu đàn luôn tìm đến phố đàn./.

Mai Hoa

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét