TTO - Nhiều loại hình tiểu thủ công nghiệp như đan nan tre, đan mây, đan lác, đan lục bình, dệt chiếu... truyền thống của ĐBSCL đã được tái hiện sinh động tại “Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng”.
Nghề đan nan tre đòi hỏi sự tỉ mẩn và kiên trì - Ảnh: C.HÀO
Là người gắn bó nhiều năm với nghề đan nan tre, ông Tô Hiến, một nghệ nhân tiểu thủ công nghiệp (xóm Thốn Liên Hạ, P.Lê Bình, Q.Cái Răng), cho biết xóm Thốn Liên Hạ từng là một làng nghề phát triển về nghề đan nan tre nhưng hiện chỉ còn một vài hộ gia đình duy trì với một vài sản phẩm như thúng, sề, nia, sàng, gàu tát nước, vỉ, lồng đèn...
Đa số nghệ nhân là những người lớn tuổi, sản xuất ở quy mô gia đình là chủ yếu. “Vợ chồng chúng tôi tin rằng đến một độ tuổi nào đó, con cháu chúng tôi sẽ nhận ra giá trị của nghề và đủ đam mê để thay chúng tôi duy trì những tinh hoa nghệ thuật dân gian” - ông Hiến nói.
Theo ông Bùi Hữu Sang - trưởng Phòng văn hóa Q.Cái Răng, “địa phương luôn khuyến khích người dân duy trì các làng nghề, bởi nó mới đem lại sức sống cho phát triển du lịch, nhưng các làng nghề đang chết dần.
Thông qua ngày hội này, chúng tôi mong muốn tái hiện các làng nghề về mặt văn hóa đúng như truyền thống của nó, đồng thời hi vọng sẽ khơi dậy tình yêu và những giá trị đang mai một của các loại hình tiểu thủ công nghiệp” - ông Sang nói.
Ngày 9-7, UBND Q.Cái Răng (TP Cần Thơ) cùng Sở Văn hóa, thể thao và du lịch TP Cần Thơ tổ chức khai mạc Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng nhân ngày Du lịch VN (9-7) và văn hóa chợ nổi Cái Răng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Văn Tâm - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - đề nghị UBND Q.Cái Răng sớm triển khai đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng (với vốn đầu tư khoảng 63 tỉ đồng), tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch đến thành phố.
Hướng bảo tồn và phát triển là hạn chế phá vỡ hiện trạng, đảm bảo an toàn giao thông thủy - bộ và vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.
THANH ĐỨC - CHÍ HÀO
tuoitre.vn
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Trả lờiXóa