Kể chuyện làng nghề bằng du lịch - Tại sao không?


HNM) - Trong khi người làng nghề đau đáu nỗi niềm đụng đâu khó đó, muốn "cựa mình, bung tỏa" mà thiếu điểm tựa thì không ít đơn vị lữ hành du lịch, vì nhiều nguyên nhân, đã thừa nhận đầy tiếc nuối rằng "tour du lịch làng nghề không còn nằm trong chiến lược ưu tiên kêu gọi du khách". 


Đại diện hầu hết các công ty du lịch đều khẳng định tiềm năng của làng nghề truyền thống rất lớn nhưng chưa được đánh thức. Vấn đề đặt ra là phải làm gì, từ đâu để làng nghề trỗi dậy?

Đầu tư… từ đâu?

Anh Đỗ Mạnh Khang, Công ty cổ phần Thương mại - Du lịch quốc tế Bốn Phương, cho biết: Vài năm trở lại đây, tour du lịch làng nghề đã giảm nhiệt do nhu cầu tìm hiểu, du lịch ở làng nghề chưa được đáp ứng, nhạt nhòa. Ngay cả việc trực tiếp quan sát công đoạn sản xuất, dù mang nặng tính trình diễn như điểm du lịch làng nghề Vạn Phúc, nhưng nếu không đặt lịch trước, khách du lịch cũng sẽ không được đáp ứng. Tour làng nghề Bát Tràng còn gặp nhiều khó khăn hơn. 

Đơn cử như, trên tuyến tour hút khách bậc nhất của du lịch Hà Nội là "Hà Nội - Quảng Ninh" đã có các điểm tham quan làng nghề gốm Chu Đậu (Hải Dương); gốm Đông Triều (Quảng Ninh), do vậy đưa làng gốm Bát Tràng vào hành trình sẽ không phù hợp, đặc biệt là về cung đường, thời gian. Chưa kể, nếu tới Bát Tràng "chẳng may" gặp đoàn học sinh tham quan, với hàng trăm em nhỏ, du khách sẽ bị hạn chế cơ hội tiếp xúc, cảm nhận về nghề, làng nghề.

Thực tế này đã khiến các tuyến du lịch làng nghề, cụ thể là hai điểm Bát Tràng, Vạn Phúc, thời gian gần đây, dần thưa vắng. Bản thân anh Khang, đã gần 2 năm nay, không còn nhận được yêu cầu đưa khách về các điểm làng nghề kể trên. Anh Khang cho biết, nhiều anh em đồng nghiệp cũng chung tình trạng đó và chỉ có khoảng 10-20% hướng dẫn viên có hợp đồng đưa khách tham quan làng nghề với thời gian vô cùng hạn chế. Không ít tour, vì số lượng khách đăng ký quá ít, các đơn vị lữ hành phải kết nối với nhau để ghép khách hoặc thậm chí, để chiều lòng khách, có hướng dẫn viên còn lấy xe gắn máy tranh thủ đưa 1, 2 người tới các điểm tham quan này.

Dành thời gian tham quan làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc, dễ thấy tình trạng đô thị hóa đã phá vỡ không gian làng nghề. Ùn tắc giao thông vào giờ tan học, lúc chuyển hàng, nhập nguyên liệu, khi công ty lữ hành "đổ" khách… diễn ra thường xuyên. Chính bản thân làng nghề cũng tự hại mình bằng cách trà trộn hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để bán hay bán cho khách nội địa và khách nước ngoài cùng sản phẩm với mức giá khác nhau… Tất cả, dường như là hệ lụy của việc phát triển du lịch làng nghề tự phát, manh mún, thiếu định hướng tập trung, quy trình bài bản.

Anh Lê Ngọc Hiền (Công ty Du lịch Tâm Long Travel) cho biết: "Chứng kiến các nước trong khu vực làm du lịch mới thấy chúng ta để lãng phí nhiều "tài nguyên", trong đó đáng kể nhất là du lịch làng nghề. Singapore, Malaysia, Thái Lan… có nhiều điểm du lịch nổi tiếng dù không có chiều sâu. So với những điểm du lịch của họ, làng nghề của Việt Nam nói chung đều rất tuyệt vời và với Bát Tràng, Vạn Phúc có thể coi là ngọc quý. Nếu được quan tâm, đầu tư sẽ có thể phát triển cực tốt vì không phải nơi nào cũng có được tiềm năng dồi dào về lịch sử, văn hóa như vậy". 

Nghệ nhân gốm Bát Tràng, Đặng Đình Hải, chia sẻ một câu chuyện có thật để minh chứng cho nhận xét trên: "Tôi đi Thái Lan, vào khu du lịch Noo Núc mà choáng ngợp. Một khu sản xuất gốm, so với Bát Tràng còn quá non trẻ, nhưng được đầu tư, quy hoạch tốt tới mức trở thành điểm du lịch không thể bỏ qua ở đất nước này. Du khách đổ xô tới vui chơi, tiêu tiền, khi về đều hài lòng. Bản thân tôi, tới đây, đi một vòng cũng tiêu cả chục triệu đồng rồi… thấy tiếc, không phải tiếc tiền mà tiếc quê mình không làm được như thế".

Vài năm trở lại đây, tour du lịch làng nghề đã giảm nhiệt do nhu cầu tìm hiểu du lịch ở làng nghề chưa được đáp ứng.

Đánh thức tiềm năng

Câu hỏi "vì sao không làm được như thế" không phải là sự tự vấn của riêng người làng nghề trong thời điểm này. Chủ trương "Đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại hai điểm làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc" của TP Hà Nội được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa cho du lịch làng nghề phát triển dài hơi, bài bản. 

Ngay lúc này, các ban, ngành được giao nhiệm vụ thực hiện dự án đang tập trung khảo sát đồng bộ tại hai điểm làng nghề, nhằm đưa ra "đề bài" chính xác nhất cho các đơn vị tư vấn tham gia nghiên cứu,… hướng tới mục tiêu xây dựng điểm đến du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở phù hợp với quy hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc, nghề truyền thống bảo đảm thân thiện với môi trường và hài hòa với cảnh quan khu vực. Các đơn vị tư vấn thiết kế trong và ngoài nước cũng rất hào hứng, quan tâm tới dự án mang nhiều ý nghĩa văn hóa - xã hội này. 

Tại các làng nghề, chính quyền địa phương cũng đã và đang rốt ráo thực hiện các kế hoạch đón đầu dự án. Nhiều gợi ý đáng kể như: Xây dựng lộ trình tham quan chuẩn với các điểm nối được thiết kế xuyên suốt quá trình lịch sử hình thành, gìn giữ, phát triển nghề thông qua hình thức kể chuyện bằng âm thanh, hình ảnh, hiện vật cổ…; tổ chức tuyên truyền vận động người dân hiểu giá trị nghề truyền thống cũng như có ý thức bảo vệ thương hiệu bằng việc lưu dấu thương hiệu trên sản phẩm, kiên quyết đưa hàng ngoại lai ra khỏi không gian làng nghề; tìm nguyên liệu phù hợp hỗ trợ sản xuất trong khi tiến hành đầu tư sớm vùng nguyên liệu… đang từng bước được thực hiện. Đâu đó những điểm nhấn đắt giá như không gian trưng bày sản phẩm thuần Việt với sân gạch, nhà gỗ, lối đi quanh co ngát hương cau, hương bưởi; những xưởng gốm để khách một lần làm thợ… đã được quan tâm, chăm chút hơn...

Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch làng nghề luôn được nhắc đến như một lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Ngành du lịch Thủ đô cũng rất quan tâm đến giá trị, tiềm năng của làng nghề trong phát triển du lịch. Vấn đề là, du lịch làng nghề cần dựa vào chính con người làng nghề; người làng nghề cần hiểu sâu sắc rằng nghề truyền thống không phải là mạch nguồn vô tận nếu không biết cách giữ gìn và thúc đẩy phát triển phù hợp. Nói cách khác, khi những thế mạnh ấy vẫn chưa được chính người làng nghề đánh thức, khơi dậy, cộng với sự đầu tư về nhân lực, định hướng phát triển, những hoạt động xúc tiến du lịch thì sự kết nối giữa du lịch với làng nghề sẽ tiếp tục hời hợt, lỏng lẻo và tiềm năng cũng sẽ mãi chỉ là tiềm năng.

Thanh Thủy
hanoimoi.com.vn

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét