Nghệ thuật trang trí của người Thái Nghệ An


Dân trí Nghệ thuật trang trí của người Thái rất phong phú và độc đáo, có tới trên ba mươi loại hoa văn, hoạ tiết, thể hiện sống động trên thổ cẩm, trang trí nhà cửa. Có thể nói mỗi người con gái Thái là một nghệ nhân tài hoa.

Người Thái chiếm số đông trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Nghệ An. Khi nói đến tri thức bản địa của đồng bào dân tộc Thái, chúng ta không thể không nói đến nghệ thuật trang trí. Việc biết thêu thùa, dệt vải được coi là tiêu chuẩn, là sự tất yếu cần phải có: ''Nhinh hụ pẳn phài, xai hụ san he''- Gái biết dệt vải, trai biết đan chài.

Thổ cẩm của người Thái Nghệ An thường sử dụng các màu trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím tạo ấn tượng mạnh. Hoạ tiết thể hiện sự đối xứng, phản ánh quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật...

Lấy thiên nhiên làm hình mẫu, thổ cẩm của người Thái Nghệ An không khác nào cảnh thiên nhiên thu nhỏ. Đó là những hình thoi như quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, con suối với thác ghềnh tung bọt trắng xoá, đây đó những chùm hoa buông dài như xà tích, lá đơn, lá kép, búp cây, dây leo, cây guột...

Thiếu nữ Thái trong bộ đồ áo thổ cẩm truyền thống.

Thế giới động vật được phản ánh trên thổ cẩm rất đa dạng: Con khỉ tinh nhanh, lanh lợi và hiếu động như trẻ thơ. Con rái cá tượng trưng cho tình yêu sắt son chung thuỷ, gia đình hạnh phúc. Ở mặt chăn thường có hình con thuồng luồng thể hiện tình cảm, ước mơ và lòng vị tha cao cả của người mẹ, người vợ.

Mỗi vùng, mỗi nhóm tộc, thổ cẩm của người Thái Nghệ An cũng khác nhau. Nếu như thổ cẩm của nhóm Thái Thanh có mầu thẫm hơn, sử dụng nhiều gam màu trầm như hướng tới sự suy tư trăn trở của chiều sâu tâm lý, thì thổ cẩm của người Thái Hàng tổng (Thái - Mường) lại tươi sáng, rực rỡ, bay bổng những ước mơ, khát vọng.

Nhà cửa của người Thái cơ bản theo hình mẫu của thổ cẩm. Nhà sàn của người Thái cổ có hai bếp lửa - ''Tâu phày''. Bếp lửa phía ''tang quản'' dành cho người già, khách quí; bếp chính ở phía ''tang chan'' dành cho nữ giới và những công việc nội trợ, đây còn là nơi tỏ tình của trai gái. Giữa núi rừng trùng điệp, bếp lửa hồng trên nhà sàn như trái tim hồng, sưởi ấm và nuôi dưỡng cả về vật chất và tinh thần cho mỗi con người.

Từ bếp dành cho người già đến hết cầu thang dành cho nam giới gọi là ''quản''. Đây là nơi dành riêng cho đàn ông, phụ nữ không được đến khu vực này, trừ một số trường hợp đặc biệt. Nơi đây có gian thờ tổ tiên - ''hỏng hóng'' và cột thiêng - ''sau hẹ''. Trên cột thiêng treo hình thần rùa bằng gỗ, ba bông lúa - ''sam huống khẩu'' và ba nhánh rau thì là - ''sam hóm si la''... Ngoài ý nghĩa có tính biểu tượng của tô tem giáo thì đây còn mang bóng dáng của thuyết thiên - địa - nhân.

Thiếu nữ Thái với những bộ trang phục truyền thống trong ngày hội.

Ngôi nhà sàn của người Thái vừa trang nhã, vừa chắc chắn: ''Nhà tốt dựng nơi cao ráo/nhà đẹp dựng giữa mường/gió to thổi không xiêu/bão lớn không lay động''.

Nhà sàn được trang trí nhiều hoa văn hoạ tiết tinh xảo trên bậu cửa sổ, trên các tấm ván hình răng cưa làm chấn song của sổ, ''khau cút'' của nhà sàn nhóm Thái Thanh đã trở thành tiêu chí về vẻ đẹp của ngôi nhà sàn người Thái cổ xưa.

''Khau cút'' là hai tấm ván đóng chéo nhau hình chữ X trên đòn nóc trước hết để chắn gió cho mái tranh hai đầu hồi nhà. Những gia đình quý tộc xưa còn làm thêm bông sen cách điệu ở giao điểm hai tấm ván và những hình trăng khuyết hướng vào nhau so le trên ''khau cút''.

Giải thích về biểu tượng ''khau cút'' có nhiều ý kiến khác nhau như: Đó là cặp sừng trâu cách điệu, biểu tượng của một nền văn minh lúa nước, hoặc đó là những búp cây guột có nhiều ở miền núi phía tây Nghệ An, hay gắn với cuộc thiên di tìm miền đất hứa của người Thái, anh em luôn nhớ về nhau... Dù có cách giải thích thế nào, thì khi bắt gặp hình ''khau cút'' trên nóc nhà sàn, là mỗi người Thái lại thêm ấm lòng, nhớ về anh em, bản mường yêu dấu.

Trên bậu cửa sổ thường chạm hình đôi thuồng luồng, linh vật làm chủ sông, suối, biểu tượng của sức mạnh và gia đình hạnh phúc. Trên các chấn song cửa sổ là các hoa văn, hoạ tiết mô phỏng thiên nhiên theo hình đối xứng hoặc lặp lại. Đó là những hình thoi như quả trám, hoa ban, búp cây guột...

Nhà sàn của nhóm Thái Mường - thường có lan can xung quanh hoặc trước nhà rất đẹp. Thiên nhiên được phản ánh một cách sống động, thể hiện tinh tế quan điểm về vũ trụ, âm dương ngũ hành và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.

Trải bao năm tháng, nghệ thuật trang trí của người Thái Nghệ An được gìn giữ và phát huy, góp phần làm nên một bản sắc văn hoá đặc thù. Ngày nay, nghệ thuật trang trí còn giúp cho đời sống của người Thái Nghệ An được cải thiện đáng kể.

Thổ cẩm đã trở thành hàng hoá thời mở cửa. Những sắc màu, những hoa văn, hoạ tiết được các cô gái Thái thổi hồn, ''sấp đôi bàn tay đã thành hoa văn, ngửa đôi bàn tay đã thành hoa lá'', giới thiệu với đồng bào cả nước và bè bạn năm châu.

Vi Hợi - Nguyễn Duy

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét