Phát triển làng nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập (Kỳ 1)


Công nhân cơ sở sản xuất gốm Nhung (xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) hoàn thiện sản phẩm.

Hiện nay, cả nước có hàng nghìn làng nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, các làng nghề đang gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, trong đào tạo để giữ nghề và tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng...

Bài 1: Đối mặt khó khăn

Làm thế nào để tồn tại và phát triển trong thời kỳ hội nhập không chỉ là bài toán đặt ra đối với các làng nghề truyền thống mà còn của cả nền kinh tế khi ngày càng có thêm nhiều hiệp định thương mại được Chính phủ Việt Nam ký kết với các đối tác nước ngoài. Thực tế này buộc các làng nghề truyền thống tìm các giải pháp khắc phục khó khăn về ô nhiễm môi trường, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Sống chung với ô nhiễm

Để mở rộng sản xuất, gia đình ông Nguyễn Văn Sử, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội) đầu tư 400 đến 500 triệu đồng mua các thiết bị máy móc cho cơ sở sản xuất các mặt hàng từ sừng trâu. Mỗi tháng ông phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng mua nguyên liệu sừng trâu tại các lò mổ trong vùng để sản xuất các mặt hàng như lược, vòng trang sức,… thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/tháng.

Điều đáng nói là sản phẩm do gia đình ông Sử làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước (60%), một số xuất sang Trung Quốc (hơn 30%), còn lại một phần rất nhỏ xuất sang một số nước châu Âu. Ông Sử chia sẻ: “Mặc dù sản xuất cho thu nhập ổn định nhưng cơ sở sản xuất của tôi cũng như nhiều hộ khác cũng chỉ xử lý ô nhiễm bằng những kinh nghiệm chứ không có các biện pháp khoa học để có thể xử lý triệt để”.

Được biết gia đình ông Sử đã đầu tư 20 đến 30 triệu đồng mua các thiết bị như quạt thông gió, hệ thống phun sương để giảm ô nhiễm. Nhưng khi bước chân vào xưởng sản xuất, bụi bốc lên tựa làn khói, phủ trắng các vật dụng, máy móc. Mặc dù đã trang bị quần áo, mũ, khẩu trang và kính chống bụi, nhưng về lâu dài, những trang bị bảo hộ thô sơ này vẫn không thể bảo đảm sức khỏe cho người lao động và mối lo về bệnh hô hấp, bệnh phổi không phải là không thể xảy ra.

Không chỉ cơ sở sản xuất lớn như của gia đình ông Sử chấp nhận sống chung với bụi, khí độc và tiếng ồn mà những cơ sở sản xuất nhỏ cũng không là ngoại lệ. Sự ô nhiễm gần như tỷ lệ thuận với quy mô cơ sở sản xuất, nghĩa là nơi quy mô sản xuất lớn thì ô nhiễm lớn và quy mô nhỏ thì ô nhiễm ở mức thấp hơn.

Điển hình như xưởng phun sơn cho các mặt hàng gỗ của gia đình ông Nguyễn Phúc Sơn, nằm ngay phía sau của Trường tiểu học xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín, TP Hà Nội), khiến cho hàng trăm em học sinh cùng giáo viên trong trường hằng ngày phải chịu mùi sơn độc hại. Mặc dù đã có nhiều ý kiến phản ánh của phụ huynh, học sinh và các giáo viên trong trường đến chính quyền xã nhưng sự ô nhiễm của cơ sở sản xuất Phúc Sơn vẫn chưa được giải quyết. Theo lãnh đạo xã, việc chậm trễ này là do đề án quy hoạch lại làng nghề của xã vẫn còn nhiều vướng mắc về quỹ đất cho nên chưa thể triển khai.

Trao đổi về tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Trưởng phòng Ngành nghề nông thôn (Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối) khẳng định, do sự phát triển tự phát và sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, hệ thống nước thải không được đầu tư, đã xả thải trực tiếp ra môi trường dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chưa kể việc xuất hiện nhóm nghề tái chế chất thải ở nhiều địa phương đã làm gia tăng mức độ gây ô nhiễm môi trường. Và tình trạng ô nhiễm môi trường càng trở nên trầm trọng ở một số khu vực sản xuất tập trung như làng nghề tái chế giấy Dương Ổ (Bắc Ninh); tái chế nhựa Minh Khai (Hưng Yên); chế biến thực phẩm Dương Liễu (Hà Nội); kim khí Vân Tràng (Nam Định); nhuộm vải sợi ở Phương La (Thái Bình)…

Qua thống kê, có 54% tổng số hộ, cơ sở ngành nghề nông thôn có tác động xấu tới môi trường, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất đai. Trong khi đó, chi phí cho việc khắc phục ô nhiễm làng nghề với kỹ thuật sản xuất thủ công, cơ khí lạc hậu và trình độ khoa học công nghệ trong nước hiện nay là khá tốn kém, làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh. Do vậy, bảo vệ môi trường làng nghề là việc làm khó khăn, đòi hỏi sự tham gia tích cực của cộng đồng và cơ quan quản lý các cấp. Nếu các biện pháp triển khai không đồng bộ thì khó đạt kết quả.

Bị động với thị trường

Hiện nay, phần lớn các làng nghề chậm thay đổi về mô hình, chủ yếu là kinh doanh hộ, mô hình doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) còn ít. Đó là nguyên nhân cơ bản khiến làng nghề vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thể phát triển mạnh, vì kinh doanh hộ khó tiếp cận với vốn vay, công nghệ, thị trường… Còn theo lãnh đạo Cục Chế biến nông, lâm, sản và nghề muối, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn có tiềm năng lớn nếu biết nắm bắt và phát huy những thuận lợi. Tuy nhiên, trước mắt vẫn tồn tại nhiều khó khăn, đó là sự cạnh tranh của những mặt hàng cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại từ các nước trong khu vực. Việc đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng trong các hợp đồng xuất khẩu với những yêu cầu lớn về số lượng, chủng loại và yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian giao hàng, hiện đang là khó khăn đối với các doanh nghiệp, các làng nghề nông thôn. Bên cạnh đó, do thiếu thông tin về thị trường cho nên việc mở rộng thị trường tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ nước ta còn phát triển chậm. Đa số sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ ở làng nghề vẫn sản xuất theo mẫu cũ, ít được cải tiến, sáng tạo mới. Một số làng nghề chỉ chuyên sản xuất theo mẫu đặt hàng có sẵn của khách hàng. Việc đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ.

Chúng tôi tới thăm cơ sở sản xuất gốm của ông Vũ Hữu Nhung ở làng nghề gốm Phù Lãng, huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Khi được hỏi về đầu ra sản phẩm gốm, ông Nhung cho biết: Việc tiêu thụ sản phẩm rất khó và thường phải tự “bơi” trong cơ chế thị trường. Mặt khác, do chưa có đăng ký thương hiệu sản phẩm, nhiều đơn hàng xuất khẩu gốm của Phù Lãng phải thông qua sự quảng bá của gốm Bát Tràng, gây thiệt hại về kinh tế cho người sản xuất cũng như cơ hội quảng bá sản phẩm gốm Phù Lãng trên thị trường. Với tình hình sản xuất như hiện nay, làng gốm đang đứng trước nguy cơ mai một nếu không có sự can thiệp kịp thời từ phía các ngành chức năng, cơ quan quản lý nhà nước.

Chị Hà, một công nhân trong xưởng cho biết: “Nguồn thu nhập của chúng tôi chủ yếu phụ thuộc vào công việc sản xuất gốm. Trước đây, làng gốm phát triển khá sầm uất, xe cộ ra vào chuyển hàng nườm nượp, cũng nhờ vậy mà đời sống của bà con có phần sung túc. Khoảng bảy năm trở lại đây, sức mua của thị trường giảm nhiều. Hàng hóa ứ đọng, sản phẩm làm ra chất đống không có người mua, nhiều hộ đã phải thu hẹp phạm vi sản xuất, thậm chí phải bỏ nghề lên thành phố kiếm kế sinh nhai. Gia đình tôi có ít đất nông nghiệp, từ nhiều đời nay “cha truyền con nối” gắn bó với nghề nên khó mấy cũng phải cố gắng “bám” nghề để mưu sinh. Nhưng với tình hình sản xuất ảm đạm như hiện nay, không biết chúng tôi còn trụ được bao lâu”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Phù Lãng Nguyễn Tiến Nên cho biết, tuy có lịch sử phát triển lâu đời nhưng hiện nay, việc sản xuất gốm ở Phù Lãng chủ yếu vẫn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ chứ chưa có sự hỗ trợ, định hướng từ phía các ngành chức năng và cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, khi nhu cầu, thị hiếu thị trường thay đổi, người sản xuất gốm ở Phù Lãng “bị động” trước thời cuộc.

Với gần 200 trong số 1996 hộ sản xuất, nghề gốm Phù Lãng đã giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động tại địa phương, doanh thu từ làm gốm chiếm hơn 30% thu nhập toàn xã. Vì thế, việc sống còn của làng gốm có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân cũng như tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Trước đây, sản phẩm của làng gốm Phù Lãng chủ yếu là đồ gia dụng và tiêu thụ ở thị trường trong nước. Vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, đây là những mặt hàng rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, khi các sản phẩm cùng loại được thay thế bằng các chất liệu khác có độ bền hơn, mẫu mã đẹp đã làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm bằng gốm. Trước tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, thế hệ trẻ ở Phù Lãng đã quyết tâm theo học ở các trường mỹ thuật và trở về địa phương để tạo ra những sản phẩm mới, đa dạng về mẫu mã, hình thức, với mong muốn giành lại thị trường cho sản phẩm gốm Phù Lãng. Nhiều mặt hàng gốm ở Phù Lãng đã xuất khẩu sang những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc… mang lại hy vọng hồi sinh làng nghề. Tuy nhiên, do không có sự định hướng, can thiệp cũng như dự báo thị trường từ phía các ngành chức năng nên chỉ trong một thời gian ngắn tồn tại, các sản phẩm gốm mỹ nghệ mới ra đời cũng đã và đang rơi vào bế tắc. Đến nay, người làm gốm ở Phù Lãng phải lăn lộn tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình và chật vật giữ nghề khi thế hệ trẻ đã không còn mặn mà với nghề truyền thống của cha ông.

(Còn nữa)
-------------------------
Hiện, cả nước có 104 làng nghề bị ô nhiễm. Trong đó, có những làng nghề mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại cao hơn 3.000 lần quy chuẩn cho phép. Tỷ lệ bệnh tật tại các khu vực ô nhiễm do làng nghề ngày một gia tăng. Do đó, cần có kế hoạch xử lý triệt để từ nay đến năm 2020.
(Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường)
---------------------------




tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét