Nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh: Những bức tranh thêu gây hai niềm rung cảm


BBT: Nhân dịp năm mới, BBT xin đăng lại hai bài viết về Nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh thay cho lời chúc năm mới đến chị và học trò của chị một năm mới an khang thịnh vượng.

Ai là con gái Đà Lạt ít nhiều cũng biết đan móc, thêu thùa, vá may; chị Nguyễn Thị Hữu Hạnh cũng vậy, từ nhỏ đã quen thuộc với đường kim mũi chỉ trên những chiếc khăn. Được mẹ khen khéo tay, thêu đẹp, chị thêm thích thú với công việc. Lớn lên, Hữu Hạnh thêu phù hiệu, gối cưới, áo dài, rồi thêu chân dung theo yêu cầu của khách đặt hàng như một nghề mưu sinh mà không chọn công việc nào khác. Nghề thêu như cái “nghiệp” quấn lấy chị khó gỡ ra. Vốn có năng khiếu hội họa, chị nghĩ “tại sao mình không tạo ra những bức tranh thêu”, thế là vẽ, rồi thêu; ròng rã hàng tháng trời, cuối cùng những bức tranh thêu tay đầu tiên cũng ra đời. Năm 1990, tại triển lãm nghề truyền thống được tổ chức tại Hà Nội, thành phố Đà Lạt đã mang tranh thêu Hữu Hạnh tham dự và những tác phẩm của chị nhanh chóng chinh phục được người thưởng lãm.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh


Nét khác biệt của tranh thêu Hữu Hạnh là mỗi bức tranh được chăm chút cả vẻ đẹp mỹ thuật lẫn vẻ đẹp kỹ thuật. Khi đứng xa ngắm tranh của chị, người xem sẽ rung cảm trước vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật với đường nét, sắc màu được phối hài hòa tạo nên từ đường kim mũi chỉ bằng sự sáng tạo của một nghệ sĩ. Khi đứng gần, soi vào từng chi tiết sẽ nhìn rõ từng canh chỉ hiện lên mềm mịn, đều đặn xen kẽ vào nhau, như từng mũi chỉ đang “vẽ” làm người thưởng lãm rung cảm trước sự tỉ mỉ, khéo léo, sự công phu, lòng kiên trì, nhẫn nại của người nghệ nhân với bàn tay điêu luyện. 
Nhân kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành - phát triển và Festival Hoa Đà Lạt 2014, nghệ nhân Hữu Hạnh đã cho ra thị trường 2 sản phẩm mới phục vụ du khách là khăn quàng cổ bằng voan với các họa tiết cỏ hoa Đà Lạt do chính chị vẽ và khăn tay thêu hoa hai mặt. Chị nghĩ đây sẽ là một món quà lưu niệm phù hợp với tất cả du khách tới Đà Lạt.
Để tạo ra được bức tranh đẹp gây cho người xem hai niềm rung cảm, chị Hữu Hạnh đã tự tay thiết kế các mẫu vẽ với rất nhiều đề tài: tranh trang trí (hoa lá, cỏ cây Đà Lạt, phong cảnh quê hương), tranh con vật (chim, cò, công, hổ...), tranh con người (tình mẫu tử, tình cha con, tình anh em, tình yêu đôi lứa), tranh nghệ thuật (những tác phẩm hội họa của các họa sĩ nổi tiếng được vẽ lại và thêu sống động, và cả những tác phẩm chị sáng tạo rồi vẽ), tranh tôn giáo... Chị cần mẫn kèm cặp, chỉ dẫn và truyền nghề cho học trò của mình với những yêu cầu khắt khe: khi thêu đuôi chim công phải vặn từng mũi chỉ, tỏa ra, xoáy tròn, để thấy rõ từng chấm hoa trên lông đuôi với óng ánh sắc màu, từng sợi lông vũ phơ phất, sống động; khi thêu cỏ hoa phải đi vào từng đường gân, chú ý đến từng cánh hoa, nhụy hoa để từng mũi chỉ đan xen hợp với thiên nhiên... Vì vậy, thương hiệu tranh thêu Hữu Hạnh xuất hiện sớm nhất trên thị trường Đà Lạt và đến nay vẫn giữ nguyên vẻ đẹp nghệ thuật và vẻ đẹp kỹ thuật của nó. Vẻ đẹp ấy đã được bạn bè thế giới ngưỡng mộ, đón nhận và tranh của chị có mặt ở rất nhiều nước: Pháp, Đức, Úc, Mỹ, Anh, Nhật... Chị từng nhận được thư ngợi khen của Tổng thống Pháp Jacques Chirac từ bức tranh chị thêu chân dung tổng thống do UBND tỉnh Lâm Đồng gửi tặng đoàn bác sĩ từ thiện “Những người theo chân bác sĩ Yersin” của Pháp đến Đà Lạt vào năm 1997.

Không ngừng sáng tạo, chị thêu tranh 2 mặt trên nền voan mỏng tạo những bức tranh trên bình phong và cho ra đời tranh thêu 3D với hình ảnh nổi lên mặt vải một cách sắc nét. Với dòng tranh 3D, bên cạnh việc phối màu chỉ thêu tinh tế, công phu từng mũi chỉ; còn phải tạo hình khối làm cho tranh sống động như có thể nắm bắt được. Vừa lưu giữ các kỹ thuật thêu tay truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh còn là người sáng tạo ra kỹ thuật thêu mũi caro mà chỉ có ở tranh thêu Hữu Hạnh, nhìn gần người xem có cảm giác bức tranh được tạo nên từ vô số những ngôi sao đủ màu sắc.

Điều đáng quý nhất ở nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh là sự tận tâm truyền nghề cho nhiều người. Bất cứ ai muốn học nghề tìm đến, chị đều chỉ dạy mà không lấy bất cứ chi phí nào. Từ khi ra đời đến nay HTX của chị luôn gắn với những người khuyết tật. Trung tâm dạy nghề miễn phí của chị đã trực tiếp dạy cho khoảng 1.200 người thành thợ thêu giỏi, trong đó có hơn 40% là người khuyết tật. Chị không ngại khó khăn đến với những hoàn cảnh bất hạnh, người khuyết tật; dạy nghề, tạo việc làm ổn định, giúp họ hòa nhập cộng đồng. Từ tranh thêu, chị Hữu Hạnh đã bắc nhịp cầu nhân ái và sẻ chia với hàng trăm số phận kém may mắn, hàng trăm cảnh đời bất hạnh trên khắp mọi miền đất nước.

Đam mê sáng tạo, cống hiến để lưu giữ và phát huy giá trị nghề thêu truyền thống không mệt mỏi, chị Nguyễn Thị Hữu Hạnh đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý: Huy chương Vàng 1996, 1997, 1998, 1999, 2000, 2001; Bàn tay vàng 1997, 1999; Sao vàng Đất Việt 2003; Dải băng xanh 2010 cho thành tích tạo việc làm cho người khuyết tật; Bông hồng vàng 2012 dành cho nữ doanh nhân thành đạt; danh hiệu “Nghệ nhân quốc gia”; danh hiệu cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước toàn quốc... Đó là kết quả xứng đáng cho tâm huyết và nỗ lực gìn giữ nghề, truyền nghề, hành nghề và phát triển những tinh hoa của nghề thêu truyền thống mà chị đã miệt mài cống hiến.

QUỲNH UYỂN
Nguồn: baolamdong.vn
____________ 

“Báu vật” từ bức tranh thêu

Cơ duyên giúp một người đàn bà nổi danh có tấm lòng đầy nhân ái được người đứng đầu nước Cộng hòa Pháp biết đến và gửi thư riêng 10 năm trước xuất phát từ một bức tranh thêu

Chúng tôi gặp lại chị Nguyễn Thị Hữu Hạnh, chủ thương hiệu tranh thêu Hữu Hạnh nổi tiếng ở Đà Lạt – Lâm Đồng, khi HTX mỹ nghệ của chị kỷ niệm 20 năm hoạt động vào tháng 6-2009 vừa qua. Tại buổi gặp mặt, hầu như ai cũng nhắc đến lá thư của ngài Jacques Chirac, Tổng thống Pháp, trang trọng gửi chị cách nay đúng 10 năm.

Tranh thêu bắc cầu

Cơ duyên giúp người đàn bà nổi danh có tấm lòng đầy nhân ái này được người đứng đầu nước Cộng hòa Pháp biết đến và gửi thư riêng 10 năm trước xuất phát từ một bức tranh thêu.

Chị Hạnh kể: Năm 1996, đoàn bác sĩ từ thiện “Những người theo chân bác sĩ Yersin” của Pháp do ông Soheir dẫn đầu đã đến Đà Lạt. Trong một cuộc tiếp xúc do lãnh đạo TP tổ chức, tình cờ bác sĩ Soheir, người sáng lập và làm chủ nhà hộ sinh Soheir nổi tiếng ở Đà Lạt gần nửa thế kỷ trước, nhận ra chị Hạnh chính là đứa bé sơ sinh đã được ông bế chào đời vào tháng 4-1958. 

Trí nhớ kỳ lạ của bác sĩ Soheir về những ngày xưa với nhiều kỷ niệm không quên ở Đà Lạt đã nhanh chóng gắn kết những con người ở hai nửa bán cầu. Chị Hạnh xúc động trước đề nghị được làm con đỡ đầu của bác sĩ Soheir và đã nhận lời.

Chị Hữu Hạnh đang dạy nghề cho người khuyết tật

Khi nhận bác sĩ Soheir làm bố đỡ đầu cũng là lúc chị Hạnh nghe ông kể nhiều chuyện về đương kim tổng thống Pháp. Thuở nhỏ,  bác sĩ Soheir là bạn học cùng ngài  Jacques Chirac. Tình bạn này vẫn còn mặn nồng cho đến lúc ngài Chirac trở thành người đứng đầu nước Pháp. “Chuyện có con gái nuôi là người VN đã được bác sĩ Soheir gọi về khoe với ông bạn tổng thống ngay trong đêm”- chị Hạnh cho biết.

Ngày đoàn bác sĩ từ thiện của Pháp chuẩn bị rời Đà Lạt, không ai khác ngoài chị Hạnh được lãnh đạo TP chỉ đạo chọn quà tặng họ. Chị Hạnh suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định chọn tranh thêu, với chân dung Tổng thống Jacques Chirac. 

Bức chân dung tổng thống Pháp được chị phóng tác từ một tấm ảnh trên báo và thêu gấp rút ròng rã 30 ngày để kịp tặng đoàn khách Pháp sau đó đã được bác sĩ Soheir trao tận tay ngài Jacques Chirac.

Chị Hạnh trân trọng mang ra một lá thư, kể: “Gần 4 năm sau, ngày 4-5-1999, bất ngờ tôi nhận được bức thư này của Tổng thống Jacques Chirac gửi từ Pháp”. Chị Hạnh xúc động: “Lá thư đặc biệt, nhiều ý nghĩa này được tôi giữ gìn như một báu vật”.

Ân nhân của người bất hạnh

Người phụ nữ gần 40 năm gắn bó với nghiệp tranh thêu này trông vẫn còn quá trẻ so với tuổi của mình. Chị đã trực tiếp vẽ mẫu và thêu hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật thu hút du khách trong và ngoài nước từ vài chục năm nay. Nhiều người, nhiều nơi biết đến chị như là người đầu tiên đưa tranh thêu thủ công ra thương trường. Cũng từ tranh thêu, chị đã tạo được những nhịp cầu đến với hàng trăm người bất hạnh ở khắp nơi. 

Bức thư ngài Jacques Chirac gửi chị Hữu Hạnh năm 1999

Người sáng lập thương hiệu tranh thêu đầu tiên của Đà Lạt và thành lập Trung tâm Dạy nghề miễn phí Hữu Hạnh dường như không giàu lên mà ngày càng bận rộn hơn. HTX Mỹ nghệ Hữu Hạnh có thêm việc để làm vì bà chủ lại vừa nhận đỡ đầu và truyền nghề thêu cho 10 phụ nữ nhiễm HIV đang sinh hoạt tại CLB Xanh (Nha Trang - Khánh Hòa). 

Chị quyết tâm: “Tôi không muốn họ bị đẩy sang bên lề cuộc sống và thụ động chờ chết. Họ cần có cái nghề cầm tay”. Hiện một số sản phẩm tranh thêu nghệ thuật đầu tiên do chính những phụ nữ thiếu may mắn từ CLB Xanh đã được bày bán tại Đà Lạt. Những phụ nữ bất hạnh đã tìm được nghề sinh nhai và quan trọng hơn, họ đã tìm thấy niềm vui lao động để sống, để không gục ngã. 

Trước ngày Trung tâm Dạy nghề miễn phí Hữu Hạnh được thành lập vào năm 2000, chị Hạnh đã trực tiếp dạy nghề cho hơn 500 người là trẻ em câm, điếc, tàn tật, bại liệt... Đến nay, chị và những trợ lý của mình đã truyền nghề miễn phí cho hơn 1.000 học viên, trong đó hơn 30% là người khuyết tật. 

Hàng trăm người được chị Hạnh dạy nghề đã trở về gia đình và có thể tự kiếm sống bằng nghề thêu tranh. Niềm vui nhân ái trọn vẹn hơn khi từ mái nhà chung ở HTX Mỹ nghệ Hữu Hạnh, nhiều chàng trai, cô gái khuyết tật đã tìm đến với nhau và được chính chị tác hợp trở thành những cặp vợ chồng hạnh phúc. 

“Cô Hạnh đã hướng cho bọn em con đường sống có ý nghĩa. Cũng nhờ có cô mà em đã tìm được hạnh phúc riêng của mình” - trong cuốn sổ tay của chúng tôi, Trần Thị Phương Dung, cô gái xinh đẹp nhưng không may bị câm, đã viết về ân nhân của mình như vậy.

Bộc lộ nghệ thuật điêu luyện của VN 
Trong bức thư đặc biệt gửi người phụ nữ VN đã thêu chân dung mình, Tổng thống Pháp Jacques Chirac viết (tạm dịch): “Thưa cô! Tôi rất cảm động về lá thư của cô đề ngày 21-9 (1997 - PV) và bức tranh thêu tuyệt đẹp. Bức tranh đã làm cho tôi phải chú ý. Tôi cảm ơn cô rất nhiều. Bức tranh biểu hiện một nghề rất đáng chú ý mà thể hiện của nó bộc lộ nghệ thuật điêu luyện của VN. Tôi cũng mong cô chấp nhận lòng kính trọng và quý mến của tôi”. Toàn văn bức thư được đánh máy nhưng phần bút tích được ngài Chirac viết bằng tay: “Với tất cả lòng chân thành”.
Bài và ảnh: Sơn Tùng
Nguồn: nld.com.vn


tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét