Nghệ nhân làng nghề Việt Nam Nguyễn Thị Điểm: Nghề làm kẹo dừa đã trở thành “cái nghiệp”


Trong khuôn khổ Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ nhất, lần đầu tiên tại Bến Tre đã diễn ra lễ tuyên dương danh hiệu làng nghề Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Điểm (thứ 2, từ trái) nhận Bằng vinh danh nghệ nhân

Trong buổi hân hoan đó, Bến Tre được vinh dự có một cá nhân được công nhận danh hiệu: Nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Đó chính là bà Nguyễn Thị Điểm - chủ doanh nghiệp tư nhân Thiên Long ở P4, Thị xã Bến Tre. Bà Điểm cho biết:

- Đó vừa là một vinh dự lớn, vừa là một trách nhiệm nặng nề. Bởi Bến Tre có rất nhiều cơ sở sản xuất làm các mặt hàng truyền thống, nhiều nghệ nhân trưởng thành và gắn bó với làng nghề hàng mấy chục năm qua. Tôi là một trong những đội ngũ nghệ nhân ấy, với nhiều tâm huyết làm ra các sản phẩm truyền thống, mang hương vị đậm đà quê hương. Những viên kẹo dừa thơm ngọt, những chiếc bánh phồng béo ngậy nổi tiếng làm hài lòng du khách. Đó là những sáng tạo trong nghệ thuật ẩm thực của các bậc tiền nhân để lại. Chúng tôi chỉ là những người kế thừa, chỉ dám mong cùng với bao người cố giữ  gìn cho hương vị của những đặc sản nầy luôn sống mãi với thời gian.

Bà có thể cho biết đôi nét về cái nghiệp mà mình theo đuổi trong hàng mấy chục năm qua?

- Tôi đến với nghề truyền thống kẹo dừa Bến Tre từ thời còn đi học trường làng. Tôi nhớ lúc đó là năm tôi học lớp đệ thất, tức lớp 6 bây giờ. Ngày nào cũng vậy, cứ hàng ngày đến lớp là bỏ theo trong cặp bịch kẹo dừa do chính tay mình sản xuất thử để bán cho bạn bè và người quen bởi lúc đó tôi vừa đi học vừa làm thuê kiếm tiền. Vậy là kẹo dừa cứ theo tôi suốt những năm tháng gian khổ của thời trẻ. Từ chuyện làm kẹo đơn thuần như là một chuyện kiếm sống trong lúc khó khăn dần dà trở thành một cái nghề thực thụ. Trong xóm tôi nhiều người cũng đi lên như vậy! Và, nó đã trở thành “cái nghiệp” cho đến bây giờ.

Còn bánh phồng, sản phẩm chủ lực của Thiên Long hiện nay?

Tôi biết làm bánh phồng sau kẹo dừa, nhưng bánh phồng thực sự là niềm đam mê, là nỗi ám ảnh với tôi. Những câu hỏi luôn đặt ra là làm sao giữ được hương vị tự nhiên của nguyên liệu mà không dùng hương vị hóa học. Làm sao đảm bảo chất lượng ổn định trong thời gian dài mà không dùng chất bảo quản. Đó cũng là cách giữ gìn những giá trị truyền thống của cha ông mình. Có câu chuyện nhỏ: Một người em tặng cho tôi một cái tách uống trà của Nhật. Cái tách không đẹp lắm nhưng điều ám ảnh tôi là miếng giấy nhỏ kèm theo: Cái tách nầy được làm ra từ một lò gốm mà ở đó ngọn lửa 300 năm nay chưa hề tắt.
     
Có một số ý kiến cho rằng hiện nay do cạnh tranh nên đặc sản kẹo dừa Bến Tre không còn giữ được chất lượng truyền thống như trước đây, bà nghĩ vấn đề nầy như thế nào?

 - Thực ra hiện nay nhiều địa phương khác cũng có thể làm ra kẹo dừa nhưng bằng nguyên liệu đặc sản thì rõ ràng chỉ có Bến Tre là nơi sản xuất có uy tín và chất lượng nhất trên thị trường. Còn vấn đề băn khoăn của người tiêu dùng thì thật khó lý giải. Bởi có nhiều cơ sở làm với nhiều cách pha chế khác nhau, tôi không thể bình luận điều gì. Nhưng riêng về kẹo dừa, bánh phồng, kẹo chuối Thiên Long là những sản phẩm sản xuất rất lâu và chúng tôi luôn trung thành với những công thức nguyên liệu truyền thống kết hợp một số cải tiến nhất định về máy móc thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất và chất lượng. Kẹo dừa được làm bằng nhiều thứ nhưng chủ yếu là phải bằng dừa, bánh phồng mì thì phải làm bằng mì… Mỗi cơ sở có thể có những công thức riêng nhưng không thể khác về những thành phần cơ bản của nó. Bây giờ, ai cũng có thể sử dụng hóa chất dùng trong thực phẩm để bảo quản và tăng thêm hương vị. Tuy nhiên, đó có thể là con dao hai lưỡi, nếu vượt quá ngưỡng cho phép sẽ trở thành độc hại. Nói vậy chứ hiện nay vẫn còn rất nhiều cơ sở luôn giữ chữ tín về chất lượng sản phẩm. Tôi luôn tuân thủ theo các tiêu chuẩn qui định và cam kết sản phẩm Thiên Long không sử dụng chất bảo quản, không sử dụng đường hóa học và các chất khác dùng trong thực phẩm. Tôi có quan niệm riêng của mình, sản phẩm của tôi làm ra từ sự sáng tạo của người đi trước. Không phải nơi nào cũng có được những đặc sản như vậy nên mình phải giữ gìn chất lượng sản phẩm như giữ gìn bản sắc văn hóa vậy!

Gian hàng của Thiên Long tại Lễ hội Dừa Bến Tre Lần thứ I

Bà có chiến lược gì trong giữ gìn và khuếch trương thương hiệu Thiên Long của mình?

- Trước nhất, sản phẩm của Thiên Long phải là những sản phẩm sạch, xứng đáng với sự tin cậy của khách hàng trong nhiều năm qua. Thị trường thì chủ yếu ở các hệ thống siêu thị trong cả nước. Một số xuất khẩu sang thị trường Úc, Hoa Kỳ, châu Âu. Một bí quyết rất đơn giản: Tôi không coi thị trường là chiến trường mà chỉ biết làm hết sức với cái tâm của mình. Không thể đưa đến người tiêu dùng thứ hàng hóa mà ngay cả mình cũng không chấp nhận được. Giữ gìn những giá trị truyền thống trong sản phẩm luôn là phương châm của Thiên Long trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thu Huyền (Thực hiện)
Bentre.gov.vn

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét