Thiết kế sáng tạo đồ nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ


NGUYỄN LỰC
Phó Chủ tịch Thường trực phía Nam
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam


1- Thiết kế sáng tạo, hạn chế chủ yếu của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam:

Theo đánh giá tại các Hội nghị Toàn quốc về xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vẫn còn nguyên các điểm yếu, đặc biệt là về thiết kế sản phẩm và chưa có biện pháp khắc phục nào hiệu quả.
Do đó, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam có nguy cơ mất thị phần. Thực tế, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ không tương xứng với tiềm năng và lực lượng lao động hiện hữu và có nhiều dấu hiệu bất ổn. Không những thế, hàng thủ công mỹ nghệ đang mất dần thị phần ở một vài thị trường quan trọng, nhất là Châu Á. Có thể nói điểm yếu lớn nhất của sản phẩm thủ công mỹ nghệ là không có tính sáng tạo. Thống kê cho thấy, có tới 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ nghèo ý tưởng, hình thức sáo mòn, lặp đi lặp lại. (Báo Đầu tư)

Trong những năm gần đây, vấn đề thiết kế kiểu dáng, mẫu mã (bao gồm cả lựa chọn màu sắc phù hợp) đã nổi lên như một vấn đề cần quan tâm hàng đầu đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ. Trừ mẫu hàng dựa trên mẫu đặt hàng từ người mua còn các sản phẩm do Việt Nam thiết kế đều không có gì mới, hấp dẫn thậm chí tình trạng ăn cắp bản quyền, mẫu mã sản phẩm đang diễn ra một cách phổ biến. Hạn chế này xuất phát từ việc Việt Nam chưa có chiến lược thiết kế mẫu riêng cho đồ gỗ và hàng TCMN. Điểm yếu đầu tiên này được nói nhiều ở các hội nghị, hội thảo nhưng dường như chưa có sự tiến triển nào tương xứng với tốc độ phát triển chung. Cho đến nay chỉ là các khuyến cáo, chưa có môt cơ quan nào nghiên cứu và đưa ra một cách rõ ràng đồ gỗ, ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang ở vị trí nào trên thị trường thế giới xét về chất lượng, thẩm mỹ và giá trị cùng các mối tương quan so sánh với các nước. Thực tế, nếu so với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của thế giới và năng lực của chúng ta, đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ khó có thể đánh giá được, bởi đơn giản đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ thế giới đang cần những thứ mà chúng ta sản xuất trong sự lúng túng, nhất là các doanh nghiệp nội địa - đó là sản phẩm chưa đáp ứng các yêu cầu thương mại, thị hiếu tiêu dùng. Chậm thay đổi về thiết kế kiểu dáng làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ, sản phẩm làng nghề Việt Nam và có nguy cơ chúng ta sẽ thua thiệt trong cuộc chơi trong một thời gian không xa một khi chúng ta không có khả năng cung cấp sản phẩm cho thị trường tiêu dùng và đời sống mà chỉ dừng lại ở thị trường quà tặng hay hàng lưu niệm cho du khách hay đồ gỗ chỉ cung cấp cho thị trường bình dân. Trong khi, ta không phải là không có những nghệ nhân, có những người thợ có khả năng thực hiện cả một cung đình nguy nga tráng lệ, chỉ khác nhau là cái cung đình đó, cái tài tăng đó cung cấp cho ai..

Có thể thấy rõ ràng nhất là sự cải tiến cải tiến kiểu dáng sản phẩm hiện nay thường theo chủ quan của nghệ nhân, của người thiết kế mà không tuân thủ theo qui luật của thị trường. Một số ít làng nghề, doanh nghiệp có quan tâm đến và đã thành công nhưng chưa trở thành vấn đề sống còn của cộng đồng các làng nghề, doanh nghiệp. Vì vậy, yếu thế của sản phẩm thể hiện ngay trong mẫu mã mà nguyên nhân chính là chưa phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thiết kế, sáng tạo kiểu dáng sản phẩm sẽ tạo ra sự đột phá, đó là nhận định được nhiều người đồng tình.

Một mặt khác cũng không nên quá cực đoan trong thiết kế nhất là thiết kế để sản xuất và kinh doanh. Các chuyên gia khuyến cáo rằng nhiều người sản xuất ở Việt Nam hay nhấn mạnh đến tính dân tộc hoặc văn hóa Việt của sản phẩm, nhưng khi trở thành thương phẩm, những đặc tính này có thể có giá trị đối với dân tộc hoặc nền văn hóa này song lại ít có ý nghĩa đối với một dân tộc hoặc một nền văn hóa khác. Khái niệm về văn hóa, truyền thống được chuyển tải vào sản phẩm vẫn còn hiểu trong ý nghĩa chật hẹp và được xem xét ở khía cạnh hình thức hơn là nội dung. Một sản phẩm cực kỳ tinh xảo, thậm chí là độc bản nhưng cũng chỉ được khách hàng hiếu kỳ ngắm cho vui (Hoặc cho nhà sưu tập non tay) chứ không thu về được bất cứ một hợp đồng hay đơn đặt hàng nào vì mẫu mã đẹp nhưng không ấn tượng, không có gì mới, nhất là không đáp ứng được nguyện vọng của người mua. Chỉ có du khách yêu thích vì do nhu cầu lưu niệm về chuyến du lịch của họ. Trong thời hiện tại không ai có thể ngũ mãi trên chiếc giường theo kiểu cổ xưa trong một căn buồng ngũ hiện đại cả. Phải đặt văn hóa trong một thế giới đang phát triển thì truyền thống đó mới tỏa sáng. Còn thiết kế, nếu không bắt nhịp được với những thay đổi của thế giới chắc chắn sẽ không đứng vững trên thị trường.


2- Thế giới đã làm gì cho thiết kế:

Với Malaysia, ngành đồ nội thất của Malaysia đã phát triển từ ngành tiểu thủ vào đầu những năm 1980, cung cấp chủ yếu cho thị trường trong nước, đã trở thành một ngành xuất khẩu chính thức đầy đủ ngày hôm nay, phục vụ thị trường thế giới. Ngành hàng gỗ nội ngoại thất Malaysia chiếm 30 - 40 % (2001) tổng sản phẩm toàn ngành hàng gỗ nội thất, so với 2,5% năm 1980. Sản phẩm đã xuất khẩu đến 170 quốc, được xếp thứ 10 trong danh sách những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.

“Sản xuất hàng nội thất trên thế giới gần đây tăng trưởng không quá 2 %, nhưng tốc độ tăng trưởng thương mại của ngành hàng gia dụng Malaysia vẫn cao hơn nhiều. Malaysia xuất khẩu 1,5 tỷ USD, trong khi đó tổng mậu dịch toàn thế giới về hàng gia dụng đã tăng lên gần 70 tỷ USD/năm. Malaysia chỉ chiếm 2% trong số đó, vì vậy họ còn nhiều khả năng cho sự tăng trưởng”. Cố vấn Hội đồng công nghiệp hàng gia dụng Malaysia - Tan Chin Huat đã nói như vậy tại một cuộc hội thảo chuyên ngành năm 2003. Mục đích của ngành hàng nội thất Malaysia là tăng sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này, ngành hàng nội thất Malaysia chuyển sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên gỗ đang dần dần nhỏ đi và hướng tới một chiến lược mới là thiết kế mẫu mã sản phẩm và sử dụng nguyên liệu thay thế cùng với công nghệ mới để nhằm tạo ra giá trị cũng như bản sắc riêng của sản phẩm xuất khẩu từ Malaysia. Malaysia cho rằng ngành công nghiệp hàng nội thất Malaysia bây giờ phải tiến vào một thời kỳ mới để phát triển là bắt buộc.

Ưu tiên hàng đầu của Malaysia lúc bấy giờ là tạo ra các yếu tố văn hóa trong thiết kế sản phẩm của chính mình (nhưng không phải là văn hóa Malaysia hoàn toàn), bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cùng với các bí quyết trong sản xuất, các phương thức đào tạo và nguyên liệu mới. Đây là cách duy nhất để ngành này thịnh vương trong bối cảnh nổi lên những nước đối thủ cạnh tranh lân cận như Indonesia, Philippines, Việt Nam và đặc biệt là Trung Quốc.

Paul Wang - một quan chức của Hôi đồng xúc tiến hàng nội thất Malaysia nói: “Sẽ không có một thiết kế mang đậm yếu tố văn hóa Malaysia mà chúng ta hy vọng có thể bán nó ra khắp thế giới. Phải tạo ra nhiều thiết kế khác nhau phù hợp với thị trường rộng lớn và văn hóa đa dạng của thế giới. Từ khóa là “không thiết kế mang tính chất Malysia” mà thích hợp hơn là “do người Malaysia thiết kế”. Bước tiếp theo là nâng toàn bộ ngành này nhắm vào thị trường tiêu dùng trung và cao cấp. Bằng thiết kế và chất lượng, hàng nội thất Malaysia đã tạo ra thị trường cho chính mình và được thừa nhận như một biểu tượng trong mắt những người “chơi”đồ nội thất. “Chúng ta cần đi vào tâm trí của những nhà bán lẻ, bán sỉ, nhà nhập khẩu, nhà sản xuất và cả những nhà thầu. Chỉ có thể thông qua những người này chúng ta mới có thể đạt đến phần còn lại của thị trường. Mục đích nhắm tới là bán hàng nội thất của ngày mai, giá của ngày mai và thị trường của ngày mai. Hàng nội thất của ngày mai là chúng ta tự mình thiết kế. Giá của ngày mai là giá có thể kiểm soát được nhờ tự mình thiết kế. Thị trường ngày mai có nghĩa là chúng ta quyết định bán cho ai”. Paul Wang giải thích thêm.

MFPC nhận định ngành công nghiệp đồ nội thất có tiềm năng to lớn và sự đóng góp quan trong cho ngoại thương Malaysia. MFPC cũng đưa ra chiến lược mang tên là “nâng cao thiết kế và thị trường”. Bước đột phá này là sự khởi đầu chương trình hỗ trợ thiết kế hàng nội thất – một dự án được kế thừa và phát triển từ một nhóm nhỏ các nhà thiết kế hàng nội thất tiên phong trẻ tuổi và có bằng cấp bắt tay với các nhà sản xuất đề phát triển những nhãn hiệu của Malaysia và làm cho sản phẩm đạt các yêu cầu về mỹ thuật, có tính thực tế và có giá trị. Hàng lọat các giải pháp về thị trường, giao dục- đào tạo, xây dựng thương hiệu, truyền thông và nâng cao hình ảnh đi song song.

Paul Wang - Giám đốc hoạt động của MFPC khẵng định: “Những kỹ năng thiết kế và thị trường như là những yếu tố quyết định chính cho sự chuyển động phía trước của công nghiệp đồ nội thất Malaysia. Chúng ta chấp nhận thách thức và khắc phục sự yếu kém để thực hiện tham vọng của đất nước về việc biến Malaysia thành trung tâm Đồ nội thất của thế giới trong Châu Á”. Và “Chỉ có một chiến lược Nâng cao Thiết kế và Thị trường được triển khai mạnh mẽ nhằm cải thiện hình ảnh hàng nội thất Malaysia mới mong thu hút sự quan tâm của các nhà nhập khẩu”.

Indonesia, Singapore đều xem thiết kế và sự chuyển dịch các xưởng sản xuất đến các nước đang phát triển như là giải pháp chính để cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc, Việt Nam. Trung Quốc (cả Đài Loan) đã có chiến lược thiết kế sáng tạo từ vài chục năm trước.


Với Đài Loan (Trung Quốc), có một cách nói về thiết kế khá hay: “thiết kế là vô giá nhưng là những gì tạo ra giá”. Những nhà thiết kế trong ngành hàng nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ bận rộn với những đơn hàng thiết kế mẫu sản phẩm có tính đổi mới, thời thượng, cho những người sành điệu, phù hợp với không gian sống (life space) hiện thời. Thiết kế tạo ra lợi thế và định vị ngành hàng nội thất, thủ công mỹ nghệ của Đài Loan trên thị trường hàng chất lượng cao của thế giới. Người thiết kế là người sáng tạo, anh ta có kiến thức rộng lớn và sự từng trãi, biết xử lý các tín hiệu từ cuộc sống. Sự sáng tạo chỉ đến từ những người được đào tạo trong các trường học và gia đình tốt. Quá trình học tập nghiêm túc là sự sống còn để làm chủ nguyên lý thiết kế, sáng tạo. Người thiết kế thành công luôn luôn trau dồi sự hiểu biết về những nhu cầu thẩm mỹ hiện thời và dự cảm được tương lai. Cũng cần tin vào sự thật là sức mạnh của kinh tế chi phối quá trình sáng tạo. Ở nấc thang cao hơn, sáng tạo không là sự thể hiện đam mê của nghệ nhân, của nhà thiết kế mà đòi hỏi khả năng xử lý không gian kiến trúc, không gian sống của khách hàng. Đồ đạt là trung gian giữa con người và không gian sống của họ. Vì vậy, người ta cũng tin rằng tương lai, ngành nay sẽ sản xuất theo các thiết kế sáng tạo duy nhất cho một cá thể. Nhưng chất lượng thiết kế, năng lực nhà thiết kế sẽ tạo ra giá trị kinh tế mà không cần phải sản xuất các thương phẩm và là giải pháp cạnh tranh không gì thay thế được. Bản chất của ngành sản xuất này là giá trị nghệ thuật, ý tưởng, văn hóa. Sự thỏa mãn các giá trị tinh thần đem lại lợi ích nhiều lần so với giá cả thực. Một ý khác, sự am hiểu phong cách sống sẽ cho ta biết giữa người Hong Kong và người Thượng Hải ai tiêu phí nhiều thời gian trong phòng ngũ hơn là ở phòng khách. Giữa người đàn ông và đàn bà ai sẽ quyết định mua sản phẩm của bạn, còn con cái họ đáp lại như thế nào. Và vì vậy, sản phẩm thiết kế sáng tạo phải phản ánh cuộc sống đương đại, người thiết kế phải nghĩ đến sự phản ứng đáp lại của người tiêu dùng và gia đình họ.

Tại Hàn Quốc, theo báo cáo nghiên cứu của nhóm các Giáo sư Hanna JEON/ Minkyoung CHANG, Soon-jong LEE, Khoa nghề thủ công và thiết kế, Trường Đại học Quốc gia Seoul, những khái niệm về thiết kế đã ra đời tư năm 1945 cùng với quy định giáo dục thiết kế bắt buộc, đến những năm 1960 khi sản xuất công nghiệp phát triển, thiết kế Hàn Quốc có những bước tiến mạnh mẽ.

Những năm 1960 gọi là giai đoạn nghệ thuật ứng dụng trong ngành thủ công mỹ nghệ. Để giảm bớt sự lệ thuộc nước ngoài và độc lập kinh tế mà chủ yếu là Mỹ và để khắc phục tình trạng bất ổn xã hội và tiến tới hiện đại hóa nền kinh tế, năm 1962, Hàn Quốc lập ra “Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm với khẩu hiệu “Mở rộng sản xuất và xúc tiến xuất khẩu” và “nhận thức thiết kế như một nguồn tài nguyên của công nghiệp”, xã hội thừa nhận các nhà thiết kế. Giai đoạn này gọi là giai đoạn “Nhà thiết kế”. Trung tâm nghiên cứu thiết kế nghề thủ công Hàn Quốc, Trường đại học quốc gia Seoul (1965) và các phòng thiết kế trong các công ty được thành lập (như Gold Star co, nay là LG Electronics Co. thành lập phòng thiết kế năm 1959). Triển lãm nghề thủ công và nghệ thuật công nghiệp quốc gia lần thứ nhất do chính phủ chủ trì được tổ chức năm 1966, xuất bản tạp chí thiết kế từng quý “Design Quarterly Magazine” năm 1969.

Những năm 1970 là giai đoạn thiết kế tăng trưởng nhanh. Hàn Quốc phát triển thành một quốc gia công nghiệp vào những năm 1980 thông qua tăng sức mạnh kinh tế với “Kế hoạch quốc gia về tăng trưởng kinh tế giai đoạn những năm 1970”. Ngành thiết kế đã được kích hoạt với dự án quốc gia to lớn và các cuộc tranh luận sôi nổi về vai trò của thiết kế trong nền kinh tế và thương mại trước sức ép của việc hội nhập công đồng châu Âu, sức ép của đăng ký bản quyền, các phán quyết bán phá giá, chính sách bảo hộ mậu dịch quốc tế cùng với việc hoàn thiện văn hóa thương mại, phổ cập truyền hình màu, chuẩn bị các sự kiện lớn như Asian game 1986, Olympic quốc gia 1988...Các cuộc tranh cải trong xã hội và các cuộc thỏa luận của các quan chức chính phủ khai sáng cho ngành thiết kế Hàn Quốc phát triển, tìm ra dáng vẻ riêng về hình ảnh sản phẩm Hàn Quốc so với sản phẩm của các quốc gia khác nhau. Thời gian này nổi lên nhiều sự kiện tác động thúc đẩy thiết kế như: Chính sách xúc tiến thiết kế của chính phủ, chính sách hỗ trợ cho nhà thiết kế, lập hội của những nhà thiết kế chuyên nghiệp, thành lập trung tâm thiết kế và bao bì năm 1971 (nay là Học viện xúc tiến thiết kế Hàn Quốc - Korea Institute of Design Promotion), thành lập Hội các nhà thiết kế công nghiệp Hàn Quốc (nay là Hiệp hội) năm 1972, trở thành thành viên của Hội đồng Quốc tế các Hiệp hội thiết kế công nghiệp năm 1973 (The International Council of Societies of Industrial Design - ICSID) và các tổ chức quốc tế liên quan khác, thiết kế gốc xe 'PONY' của Hyundai Co. ra đời năm 1974, Trung tâm nghiên cứu thiết kế của LG Electronics 1983, Good Design Mark 1985, 1st Design Consultant Firm 1989.

Những năm 1990 là giai đoạn thiết kế đi vào chiều sâu cả về phương pháp, nghiên cứu phát triển với khuynh hướng nổi bất gọi là “toàn cầu hóa và quốc tế hóa”. Công nghiệp thay đổi mạnh mẽ bởi sự xâm nhập của các nhà tư bản khổng lồ, việc mở cửa hoàn toàn thị trường tiền tệ và nâng cấp các bộ luật về sở hữu, bản quyền...Hơn nữa, thiết kế tạo ra sức mạnh cho công nghiệp và sự cạnh tranh quốc gia thực sự. Hầu hết các xí nghiệp đều có các trung tâm thiết kế và hình thành xu hướng đổi mới và đa dạng hóa thiết kế. Thiết kế thực sự trở thành chiến lược phát triển của các tâp đoàn, giúp bảo vệ thị trường nội địa và tăng cạnh tranh bền vững bởi sự khác biệt với sản phẩm nước ngoài. Thời gian này, Hàn Quốc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho thiết kế và nghiên cứu thiết kế, thành lập hiệp hội khoa học thiết kế Hàn Quốc năm 1994 (Korean Society of Design Science), mở các khóa đào tạo tiến sĩ thiết kế trong các trường đại học (1995). Lee K.H., Chủ tịch Samsung tuyên bố: “thiết kế là vũ khí quan trọng nhất đối với chiến lược kinh doanh” tại Hội nghị thiết kế quốc tế Châu Á lần thứ nhất... Từ năm 2000, Thiết kế Hàn Quốc hoàn toàn hội nhập và đầy đủ năng lực để cạnh tranh toàn cầu.

Trong khoảng thời gian ngắn hơn 40 năm, Thiết kế Hàn Quốc đã phát triển vượt bậc nhờ tôn trọng việc nghiên cứu thiết kế, kỹ thuật thiết kế, giáo dục thiết kế và liên tục đổi mới, chuyên môn hóa thiết kế tại các doanh nghiệp. Hiện nay, ngành giáo dục cung cấp mỗi năm trên 10.000 sinh viên thiết kế có bằng cấp tại 120 trường cao đẵng và đại học. Báo cáo của các trường thiết kế cho thấy có 131.247 chuyên đề giảng dạy về thiết kế và sinh viên theo học là 10.814 người/năm. Nguồn nhân lực cho thiết kế chiếm tỷ lệ cao trên dân số Hàn Quốc và có vị trí cao trên thế giới. Ngân sách chính phủ hỗ trợ 9.000 tỷ won/năm cho công tác nghiên cứu và công nghệ thiết kế.

Tại Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Thiết kế Công nghiệp Nhật Bản (The Japan Industrial Design Promotion Organization (JIDPO) ngày nay khởi đầu là sự ra đời của một quy định về tuyển chọn sản phẩm thiết kế gọi là “Nguyên tắc tuyển chọn sản phẩm thiết kế tốt” (1957). Năm 1958 thành lập Cục thiết kế thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp (nay là Cục Chính sách thiết kế); năm 1960 thành lập JETRO của “Ngôi nhà thiết kế Nhật Bản”(JETRO of the “Japan Design House"); năm 1960 thành lập Hội đồng Xúc tiến Thiết kế (The Design Promotion Council) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp, đến năm 1969 thành lập JIDPO. Tổ chức này đã gia nhập vào Hội đồng Quốc tế các Hiệp hội thiết kế công nghiêp (The International Council of Societies of Industrial Design (ICSID). Năm 1973 Chính phủ quyết định là năm thiết Nhật Bản ("1973 Design Year."). Năm 1974, JIDPO được Bộ Thương mại và Công nghiệp ủy quyền thực hiện đầy đủ “Nguyên tắc tuyển chọn sản phẩm thiết kế tốt”; năm 1975 tham gia hệ thống dự án xúc tiến phát triển thiết kế khu vực; năm 1981 thành lập Hiệp hội trao đổi thiết kế quốc tế (The International Design Exchange Association). Năm 1988 phát hành tài liệu của Hội đồng Xúc tiến Thiết kế gọi là”Chinh sách thiết kế cho những năm 1990” và phê duyệt “Năm thiết kế 1989” với một chiến dịch vận động toàn Nhật Bản; năm 1990 Bộ Thương mại và Công nghiệp quyết định lập “Ngày thiết kế”. Năm 1993, Hội đồng Xúc tiến Thiết kế xuất bản bản báo cáo “Chính sách thiết kế mới để phản ứng với những thay đổi nhân đôi” và thành lập Trung tâm Phát triển Nhân viên Thiết kế. Năm 1998 thành lập “Giải thưởng thiết kế tốt”.


Ngày nay, với Nhật Bản, thiết kế không chỉ đơn thuần là một tiềm lực đảm bảo thành công về kinh tế: nó có thể được mô tả một các đúng hơn như là một phương pháp luận rõ ràng về mục đích và việc thực hiện một tầm nhìn mới. Nói chung, nó là một phần của sức mạnh thúc đẩy xã hội Nhật Bản tiến về phía trước. Sáng tạo ra một xã hội mà trong đó các công ty, các cá nhân thuộc các thành phần khác nhau có thể sử dụng thiết kế để bày tỏ cái nhìn của họ với xã hội, và để thể hiện quan điểm của họ cùng với những người có thể đồng cảm với họ. Nói cách khác, sự sáng tạo của một xã hội sáng tạo và sung mãn là chủ đề chính cần phải giải quyết đối với công tác xúc tiến thiết kế ngày nay.

Tại thời điểm này, JIDPO có đầy đủ khả năng để điều phối các hoạt động thiết kế sâu rộng và đa dạng, JIDPO đang tạo ra môi trường cho mọi người tự do truy nhập ở mức cao nhất về phương cách tiếp cận và hệ phương pháp thiết kế.

Ông Kazunori Iizuka, Chủ tịch của JIDPO nói: “Thế kỷ 21 là thời đại của thiết kế, một thời đại khi mà xã hội thịnh vượng, giàu có sẽ được tạo ra thông qua sự trung gian của thiết kế… Chúng tôi tự hào đã có thể giữ vai trò đầy ý nghĩa trong sự nối kết này”. “Hơn thế nữa, không chỉ nhìn từ góc độ kinh tế như là biện pháp có hiệu quả đối với việc sáng tạo và bán sản phẩm, niềm hy vọng cao hơn đang được đặt vào thiết kế trong thế kỷ 21 như là một cách để biểu hiện một tầm nhìn mới và như một phương pháp luận cơ bản, nói ngắn gọn như là một cách để thúc đẩy tiến bộ của toàn bộ xã hội chúng ta (Nhật). Đây là một kỷ nguyên khi thiết kế không chỉ cần thiết cho công nghiệp mà còn là cho con người thuộc mọi tầng lớp xã hội. Đúng vậy, có rất nhiều chủ đề đã được giải quyết, thế kỷ 21 là một thời đại khi thiết kế đang được xem là một phương cách đối với việc giải quyết nhiều vấn đề.


Với Trung quốc, mới đây, giáo sư Dr. Zec, một chuyên gia lão luyện về thiết kế đã có một bài phát biểu quan trọng tại cuộc hội thảo lần đầu tiên về thiết kế với chủ đề “Thiết kế công nghiệp thế giới Trung Quốc (China World Industrial Design Forum) tổ chức vào ngày 17-18 tháng 5 năm 2008 tại Shenzhen, một thành phố cạnh Hong Kong. Sự kiện là một phần của hội chợ ngành văn hóa quốc tế, như là một hội chợ của ngành sáng tạo tại Shenzhen và lớn nhất Trung Quốc. Như một nhà kinh doanh lừng danh và một nhà thiết kế kỳ cựu, giáo sư Dr. Peter Zec, người khởi xướng giải thưởng thiết kế Red Dot và là quan chức cao cấp của Hội đồng thiết kế công nghiệp quốc tế (The International Council of Industrial Design (Icsid), đã được mời để thảo luận về tầm quan trọng của thiết kế đối với các công ty Trung Quốc đang dựa vào nền tảng của thị trường toàn cầu dưới phương châm “Cảm nhận sức mạnh của thiết kế và dùng nó trong đời sống thực”. Trong bài phát biểu tựa đề “Quay về ý tưởng”, Giáo sư Peter Zec, người suốt 20 năm đi giải thích với doanh nghiệp làm thế nào để có thể thành công thông qua thiết kế, đã nói: “Thiết kế cung cấp một ý tưởng tốt cho hình thể, và là tuyệt đối cần thiết cho sự phân biệt trên thị trường toàn cầu”, đây là luận điểm căn bản của bài nói chuyện của Giáo sư Zec. Bước đầu tiên là sự đầu tư bằng những ý tưởng vững chắc. Trong quá khứ, rất nhiều ý tưởng tốt đã chỉ thành công đối với thiết kế của họ nhưng “Ý tưởng tốt nhất là không thể dùng, nếu nó không được thực thi tốt”. Qua nghiên cứu, ông cho rằng trong công nghiệp có thể bị tách biệt ra hai loại công ty: những công ty đã nhận thấy rõ giá trị gia tăng như là kết quả của thiết kế. Với các minh họa của Sony, Loewe và Apple, Ông giải thích làm thế nào chiến lược đầu tư đúng và sự phân biệt thông qua thiết kế có thể giúp để đạt được thành công về thương mại và để đi vào phân khúc thị trường giá cao hơn trong cùng một thời gian. Ông chỉ trích: “Hầu như các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử tiêu dung vẫn còn tin vào giá rẻ như là một lợi thế cạnh tranh. Sự thật rằng một chiến lược như thế có thể dẫn thẳng đến sự phá sản với nhiều chứng cứ rõ ràng”. Ngược lại, công ty Trung Quốc Hisense đã thực thi một chiến lược đúng: Sáng tạo và đổi mới là nhân tố chủ yếu trong tất cả hoạt động của công ty. “Thiết kế là vô cùng quan trọng đối với sự thành công về thương mại của công ty. May thay nhiều chủ doanh nghiệp Trung quốc đã thực hiện điều này, chí ít họ cũng biết ý nghĩa quan trọng của canh tranh bằng thiết kế. Họ là những người đã cống hiến một cách đặc biệt chính họ cho vấn đề xúc tiến thiết kế”. Zec nhấn mạnh “Đích đến của xúc tiến thiết kế cũng sẽ luôn luôn hợp nhất sự quyết tâm để tăng tính cạnh tranh quốc tế của những sản phẩm quốc gia và công ty”.

Singapore, Hội đồng các ngành công nghiệp hàng nội thất Singapore (Singapore Furniture Industries Council - SFIC) thành lập vào năm 1981, đại diện chính thức cho những người hoạt động trong lĩnh vực này tại Singapore với hơn 95% các nhà sản xuất, 65% các nhà máy chi nhánh của các nước trong khu vực như China, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thailand và Việt Nam. Nhiệm vụ ban đầu là cỗ vũ sự quan tâm của hội viên và xúc tiến ngành hàng nội thất Singapore, tạo thuận lợi để các thanh viên giới thiệu sản phẩm của họ ra thị trường thế giới, tạo ra nhiều doanh nhân thông qua phát triển nguồn nhân lực, phát triển nhân tài địa phương, tổ chức các giải thưởng, cuộc thi thiết kế, thiết lập quan hệ chiên lược với chính phủ, các cơ quan thương mại, trang bị công nghệ và kiến thức đối với tăng trưởng thông sử dụng công nghệ. SFIC cũng là đại diện của Singapore trong Hội đồng các ngành hàng nội thất ASEAN (the ASEAN Furniture Industries Council -AFIC).

Hội đồng hàng gia dụng Singapore đưa ra một tầm nhìn đầy tham vọng: “Tầm nhìn của chúng tôi là để thiết lập Singapore thành một trung tâm các sản phẩm nội thất hàng đầu để cung cấp tổng các giải pháp cho thị trường toàn cầu”. Sứ mệnh họ là (i) chủ động nhận dạng và đạt được năng lực ngành công nghiệp then chốt này nhằm cũng cố địa vị của Singapore với tư cách là trung tâm đồ nội thất của Châu Á; (ii) Đẩy mạnh một chuỗi rộng các hành động trên thế chủ động có cơ sở và mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp này nhằm đạt đến các giá trị hoàn thiện, đổi mới và vì người tiêu dùng. Họ nỗ lực cung cấp cho “người chơi” một ngành công nghiệp tốt nhất thế giới, tạo thuận lợi để nối kết đông tây, phối hợp các giải pháp trong thiết kế và sản xuất, cung sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu người tiêu dùng.

Năm 2006 được họ cho rằng là năm thành công nhất của ngành hàng nội thất Singapore với tăng trưởng 11% thương mại hàng nội thất nội địa, đạt 1,1 tỷ đô la Sing, xuất nhập khẩu tăng 12%, tổng giá trị xuất khẩu của các nhà máy do người Singapore sở hữu đã đạt được 2,4 tỷ đô la Sing, chiếm 0,7 % thị trường toàn cầu. Mục tiêu đến năm 2015, ngành hàng nội thất Singapore sẽ phấn đầu chia 1% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, ngành công nghiệp đồ gỗ của đất nước nhỏ bé về diện tích và số dân- Singapore đã được hưởng một năm phát triển mạnh mẽ. Tổng số sản phẩm nội thất thương mại đạt tới 3,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của những doanh nghiệp do người Singapore sở hữu, với 2.024 công ty, sử dụng 14.608 người vẫn đạt 2,4 tỷ USD, tốc độ tăng trường khoảng 15% / năm, có nghĩa là nhiều hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng của thị trường đồ gỗ thế giới. (mở ngoặc: Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản VN, cả nước có 3.900 doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 10% về số lượng nhưng chiếm 35% về KNXK, có 300.000 lao động, xuất khẩu  5,3 tỷ USD năm 2013, bình quân KNXK đạt 17.667 USD/lao động (2013), trong khi tại Singapore, bình quân KNXK đạt 170,600 USD/ lao động năm 2008. Nhà máy ít hơn, lao động ít hơn nhưng Singapore thu nhập cao hơn, yếu tố thiết kế chiếm một tỷ lệ quan trọng trong đó). Các sản phẩm nội thất của khu vực có Singapore phát triển đáng kể từ sự khởi đầu khiêm nhường vào những năm 1960 khi nó được sản xuất bởi các doanh nghiệp gia đình nhỏ yếu. Hôm nay, ngành công nghiệp sản phẩm nội thất Singapore có thị trường toàn cầu trong khi hầu hết các các nhà sản xuất đồ nội thất của họ đã chuyển việc sản sản xuất sử dụng nhiều lao động đến các quốc gia lân cân để hoạt động như Malaysia, Indonesia, Mi-an-ma, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc; họ thường giữ lại trụ sở chính của công ty trong Singapore. Đó là một chứng minh cho những bước đi căn bản của ngành hàng nội thất.

Na-than Yong, một quan chức cao cấp của Air Division, một công ty sản xuất đồ nội thất nổi tiếng Singapore nói: “Sự khác nhau duy nhất giữa Trung Quốc và chúng tôi ngay bây giờ là khía cạnh thiết kế”, “Chúng tôi duy trì lợi thế cạnh tranh của các thiết kế bởi vì có khía cạnh khác nhau. Trung Quốc có những công nghệ để sản xuất hầu như bất cứ thứ gì. Họ là nhà sao chép tuyệt vời và họ có thể giữ giá rẻ hơn do lao động giá thấp. Sau khi họ đã phát triển thiết kế, sẽ không có cách nào cho chúng tôi có thể cạnh tranh. Vì vậy, chúng tôi phải tham gia với họ trong khả năng của mình và bắt đầu sản xuất tại đó (Trung quốc).”

(Còn tiếp)


tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét