Làng nghề truyền thống: Đi đâu, về đâu: Bài 1: Nguy cơ mai một những làng nghề truyền thống

(Congannghean.vn)-Hiện nay, toàn tỉnh có 126 làng nghề và hơn 400 làng có nghề. Các làng nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời, trải qua thời gian, bằng bàn tay khéo léo, tài hoa và khối óc sáng tạo của mình, các “nghệ nhân” đã làm ra những sản phẩm tinh xảo, mang đậm nét đời sống văn hóa địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, các làng nghề đang đứng trước nhiều khó khăn như thiếu vốn, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, đầu ra sản phẩm… khiến các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một.

Giữ hồn cho làng nghề 

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 126 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, 285 làng nghề do UBND các huyện công nhận và hơn 400 làng có nghề với nhiều loại hình khác nhau, trong đó nhiều nhất là làng nghề mây tre đan, làng nghề chế biến thực phẩm, sản xuất hương, dệt chiếu cói… Các làng nghề đã giải quyết việc làm cho khoảng 40.000 lao động có mức thu nhập ổn định trên 10 triệu đồng/người/năm, đồng thời tạo ra khối lượng hàng hóa phong phú, đa dạng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm, ổn định đời sống và xoá đói giảm nghèo ở nông thôn.

Nghề làm tương truyền thống ở thị trấn Nam Đàn

Mặc dù không phải chính vụ tương nhưng đến thị trấn Nam Đàn thời điểm này, thấy sân nhà nào cũng đầy ắp những chum tương. Bà Nguyễn Thị Tỵ (63 tuổi), là một người làm tương lâu năm, có tay nghề cho biết: Nghề sản xuất tương đã có từ rất lâu đời và được truyền từ đời này qua đời khác, nhưng đến năm 2010, thị trấn mới được công nhận làng nghề truyền thống. Dù tuổi cao nhưng hằng ngày, bà Tỵ vẫn gắn bó với công việc làm tương, bởi bà muốn lưu giữ lại cái hồn của nghề cha ông truyền lại.

Trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ mới cho ra được một mẻ tương ngon và đậm đà hương vị của vùng quê Nam Đàn. Món ăn dân giã mang hương vị của đồng quê xứ Nghệ trở thành một trong những đặc trưng của nền văn hóa ẩm thực Việt Nam. Hiện nay, trên địa bàn có 30 hộ tham gia sản xuất tương chuyên nghiệp, trung bình mỗi năm đạt mấy vạn lít tương. Tương Nam Đàn đã có mặt ở thị trường trong Nam, ngoài Bắc và xuất khẩu ra nước ngoài. 

Thời điểm này, bà con ở xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn đang chuẩn bị thu hoạch mía để sản xuất, cho ra lò những mẻ mật đầu tiên. Được công nhận làng nghề từ đầu tháng 3/2014, làng nghề ép mía - chế biến mật (làng Găng, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn) hiện nay có đến 95% hộ dân theo nghề, với tổng diện tích trồng mía là 179,1 ha. Dù mới được công nhận làng nghề truyền thống nhưng nghề sản xuất, chế biến mật mía đã có từ lâu đời. Để có một mẻ mật mía thơm ngon, đòi hỏi người thợ phải khéo léo trong từng khâu chế biến. 

Mai một theo thời gian

Một trong những khó khăn mà các làng nghề truyền thống đang phải đối mặt đó là thiếu vốn, đã ảnh hưởng đến chất lượng cũng như mẫu mã của sản phẩm làng nghề. Nền kinh tế khó khăn cũng ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ của các sản phẩm làng nghề, trong khi đó sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm công nghiệp khiến sản phẩm truyền thống mất thị trường. Điều này càng làm cho đầu ra sản phẩm nghề gặp khó. 

Mặc dù tương Nam Đàn đã là một thương hiệu được nhiều người biết đến, nhưng vấn đề đầu ra cho sản phẩm đang ngày càng bị thu hẹp. Có thời điểm tương được xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng cũng tùy vào từng đợt. Với các hộ làm tương có tiếng chủ yếu nhập cho các nhà hàng, còn lại bán cho các mối quen. Người dân Nam Đàn vẫn có thói quen bán tương trên vỉa hè, điều này ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như thương hiệu của tương truyền thống.

Được biết, năm 2012, tương của Hợp tác xã Sa Nam được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Bắc, tuy nhiên, tương Nam Đàn vẫn chưa có mối liên kết tiêu thụ nào để thu gom sản phẩm cũng như quảng bá thương hiệu. Đó là chưa kể nhiều cơ sở sản xuất khác đã giả mạo nhãn mác tương Nam Đàn, làm ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề. 

Đối với người dân xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, được công nhận làng nghề đã khiến họ hy vọng sẽ có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào đứng ra thu mua, quảng bá thương hiệu. Người dân vẫn sản xuất và tiêu thụ theo cơ chế thị trường, sản xuất theo đơn hàng và gửi cho các cửa hàng, đại lý ở thành phố bán. Thiếu đầu ra bền vững là thực trạng chung ở hầu hết các làng nghề. 

Trong khi đó, việc phát triển nguồn nhân lực tại các làng nghề chưa được sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương. Nguồn nhân lực tay nghề cao thiếu hụt đã ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm. Giới trẻ càng ngày càng không mặn mà với việc gìn giữ, phát triển nghề nên các làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một.

Huyền Thương

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét