Dự báo xu hướng thị trường thế giới mây tre lá đến năm 2015 - Phần 1

VIETRADE - Hàng mây tre lá là sản phẩm truyền thống của Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lợi thế về nguyên liệu và tay nghề đan lát. Hàng mây tre lá nằm rải rác ở khắp toàn quốc, trong đó khu vực phía Bắc và miền Trung tập trung nhiều về các sản phẩm mây tre lá và cói
, khu vực miền Tây Nam Bộ tập trung nhiều các sản phẩm về bèo tây, lá buông ... Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này, bài viết dưới đây xin giới thiệu một số xu hướng trên thị trường thế giới đến năm 2015:

Sự thay đổi nhanh chóng trong xu hướng thị trường.

Đặc tính nổi bật hiện nay trong thị trường hàng trang trí và gia dụng toàn cầu là tốc độ phát triển nhanh chóng của thời trang, phong cách, thiết kế, sự thay đổi màu sắc… làm cho vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn hơn. Mười năm về trước, sản phẩm có thể để tồn kho hàng năm trời, tới đây vòng đời sản phẩm chỉ kéo dài khoảng 6 tháng. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất phải thường xuyên phát triển sản phẩm và thiết kế mới.

Sự thay đổi nhanh chóng của vòng đời sản phẩm đã hạn chế vai trò của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay bản quyền. Việc duy trì bản quyền đối với các sản phẩm có vòng đời ngắn như vậy không hiệu quả về mặt chi phí, và cũng không dễ dàng khi sản phẩm được thay đổi đôi chút để khác đi so với sản phẩm được đăng ký bản quyền. Vì sự bắt chước hoặc tính đa dạng của sản phẩm trang trí gia dụng là rất phổ biến, chính sách cạnh tranh tốt nhất cho doanh nghiệp là liên tục đưa ra các mẫu mã mới, nhằm thích ứng với sự biến động nhanh của thị trường.

Các chuyên gia dự báo rằng sự thay đổi thị trường đối với nhóm hàng trang trí gia dụng nói chung và mây tre lá nói riêng sẽ ngày càng nhanh hơn do có sự canh tranh khốc liệt giữa các nhà bán buôn, bán lẻ. Trong 5 -10 năm tới, vòng đời sản phẩm sẽ rút ngắn xuống còn khoảng 3 tháng. Việc này sẽ đặt áp lực rất lớn lên các nhà sản xuất vì phải phát triển mẫu mã và giao hàng nhanh hơn. Đối với các nước đang phát triển thì xu hướng này ngày càng gây sức ép đối với nhà sản xuất vì phải tiếp cận thông tin thị trường nhanh hơn, phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng tốt hơn.



Xu hướng sản phẩm ngày càng giản đơn, mang phong cách đương đại.

Ít nhất trong một vài năm tới, thị trường sẽ ít hào hứng với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc văn hóa của một vùng miền, mà sẽ theo hướng chấp nhận các sản phẩm mang phong cách đương đại. Các nhà dẫn dắt thị trường ở Mỹ như Pottery Barn, Crate & Barrel đã định hướng cho người tiêu dùng Mỹ đi theo phong cách đương đại, tạo nên trào lưu sản phẩm mang phong cách giản đơn mà chính Pier 1 Imports, một công ty thiên về các sản phẩm mang tính đặc trưng văn hóa vùng miền, cũng phải đi theo. Các nhà bán lẻ ở Châu Âu thường kinh doanh các sản phẩm có hình khối đơn giản, các đường nét tinh tế, với màu sắc trung tính, và thường thì xu thế này tồn tại ở Châu Âu trong vòng một năm trước khi lan rộng sang Châu Mỹ.

Nhu cầu đối với sản phẩm mang tính đương đại gia tăng không có nghĩa là các sản phẩm mang tính bản sắc văn hóa sẽ biến mất, mà nó sẽ vẫn luôn tồn tại, đặc biệt là các sản phẩm kết hợp giữa yếu tố đặc trưng văn hóa của một vùng miền với những thiết kế mang phong cách đương đại sẽ tạo ra dòng sản phẩm mới và sẽ có cơ hội thị trường. Những sản phẩm này sẽ thuộc nhóm sản phẩm cho thị trường cao cấp, là những sản phẩm làm thủ công với phong cách đương đại, tinh tế, đồng thời cũng sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.

Phân khúc thị trường thấp cấp (ưu tiên giá rẻ) và thị trường cao cấp (ưu tiên chất lượng cao) ngày càng được mở rộng.

Sẽ gần như không còn cơ hội cho phân khúc thị trường trung cấp (các sản phẩm có chất lượng và giá cả tầm trung). Sự cạnh tranh ở phân khúc thị trường thấp cấp sẽ diễn ra rất khốc liệt đòi hỏi các nhà sản xuất phải đầu tư thiết bị máy móc để sản xuất với số lượng lớn – trong khi đó phân khúc thị trường cao cấp tập trung cạnh tranh ở sự khác biệt trong thiết kế, chất lượng cao, số lượng ít hơn nhưng giá cả cũng linh hoạt hơn.

Các kênh phân phối ngày càng được rút ngắn.

Các nhà bán lẻ ngày càng có xu hướng thu mua trực tiếp từ các nhà cung cấp trên toàn cầu. Trong hầu hết các phân khúc thị trường, các nhà bán lẻ lớn đã gạt bỏ việc thu mua từ các nhà nhập khẩu hoặc bán buôn trong nước, họ tìm kiếm trực tiếp từ các nhà cung cấp ở các nước sản xuất. Thay vì mua qua các nhà nhập khẩu, các nhà bán lẻ hiện nay sử dụng đại lý của mình ở nước sở tại để tìm nguồn cung cấp, giám sát sản xuất, kiểm tra sản phẩm, thu gom nguồn hàng và  hoàn thành thủ tục giấy tờ xuất khẩu. Các đại lý này giữ liên lạc thường xuyên với các nhà bán lẻ, và nhà bán lẻ rất yên tâm khi đại lý của họ thông thường là những đại lý chuyên nghiệp và có kinh nghiệm giám sát, thu mua hàng. Nhờ tính chuyên nghiệp của các đại lý, nhà bán lẻ có thể thu mua với những đơn hàng có quy mô nhỏ hơn, đa dạng hơn, và với việc thu gom những đơn hàng lẻ thành hàng nguyên container, họ đã giảm được đáng kể chi phí giao nhận hàng. Mặc dù các nhà bán lẻ có xu hướng thu mua trực tiếp từ nhà cung cấp, bỏ qua vai trò của nhà nhập khẩu, vẫn chưa thể đánh giá chính xác tác động của xu hướng này tới toàn bộ thị trường. Vẫn còn một bộ phận lớn các nhà bán lẻ ở Mỹ vẫn tiếp tục thu mua hàng thông qua các nhà nhập khẩu nội địa.


(còn nữa)

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét