Top 20 làng nghề truyền thống nổi tiếng Việt Nam - Năm 2016 (P2)


Top 20 làng nghề truyền thống nổi tiếng Việt Nam - Năm 2016 (P2)

(Vietkings) - Các làng nghề truyền thống Việt Nam đã ra đời từ hàng ngàn năm trước với những sản phẩm vô cùng chất lượng và độc đáo. Sản phẩm của nghề truyền thống đã thể hiện rõ và bảo tồn được những nét, những sắc thái độc đáo của dân tộc.

Những giá trị văn hóa của dân tộc thể hiện tư duy của người Việt triết lý Á Đông, phong tục tập quán đặc sắc, truyền thống dân tộc, phong cách sống... đều được thể hiện qua nét vẽ, hình mẫu, cách trang trí và cấu trúc của sản phẩm. Dưới đây Vietkings chính thức công bố top 20 làng nghề truyền thống Việt Nam nổi tiếng hiện còn với những sản phẩm độc đáo và tinh xảo được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích.

11. Làng nghề Kim hoàn Kế Môn (Thừa Thiên – Huế)


Làng Kế Môn thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế là làng nghề kim hoàng nổi tiếng hơn 300 năm nay. Vị tổ của làng nghề này là ông Cao Đình Độ, người làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, di cư vào làng Kế Môn vào cuối đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Đến đời vua Quang Trung, ông Độ được triệu vào cung lập Cơ vệ ngành ngân tượng chuyên làm đồ trang sức cho Hoàng gia. Đến đời vua Gia Long, Cao Đình Độ và Cao Đình Hương (con trai ông) vẫn được giữ lại làm ngân tượng cho đến khi mất (1810; 1821).

Sản phẩm kim hoàn ở Kế Môn nổi tiếng có chất lượng tốt so với nhiều nơi khác với kỹ thuật tay nghề tinh xảo và chạm khắc cầu kỳ được làm ra bởi những người thợ có kinh nghiệm, khéo tay và giàu khiếu thẩm mỹ sáng tạo, thể hiện rõ nhất là trên các đồ trang sức như vòng, kiềng, nhẫn, lắc, dây chuyền, khuyên tai bằng vàng hoặc bạc.

12. Làng nón Tây Hồ - Phú Vang (TT Huế)


Nón lá Tây Hồ nổi tiếng bởi độ mỏng, thanh, màu sắc nền nã và đường kim, mũi chỉ đều, đẹp nên người tiêu dùng rất yêu chuộng. Nón lá là vật trang sức làm duyên thêm nét đẹp của những thiếu nữ và là vật che nắng hữu hiệu của nhiều người. Người dân quê đi chợ, đi làm ruộng không thể thiếu chiếc nón lá đội đầu. Nón lá đã gắn bó với cuộc sống của người nông dân Tây Hồ một nắng hai sương trên đồng ruộng một cách tự nhiên và bền bỉ dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay.

Không chỉ nổi tiếng với nón lá bài thơ, dân làng Tây Hồ còn rất khéo léo khi tạo ra những chiếc nón lá kè hai lớp bền, đẹp, đội mát.

13. Làng Đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng)


Làng đá mỹ nghệ Non Nước được hình thành từ thế kỷ 18 do ông Huỳnh Bá Quát mang nghề từ tỉnh Thanh Hóa vào khai thác. Mấy mươi năm sau, làng Quan Khái (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đều sinh sống và phát triển bằng nghề này. Những sản phẩm đá mỹ nghệ ở đây như: tượng Phật, tuợng Thánh, tượng người và muôn thú cũng như các loại vòng đeo tay, đeo cổ... đều được đẽo, tạc từ những khối đá cẩm thạch có vân rất đẹp được lấy từ Ngũ Hành Sơn. Từ đất đá vô cảm, người nghệ nhân làng mỹ nghệ Hòa Hải đã thổi vào đó tâm hồn của con người, để rồi những thứ quà tinh xảo thuộc cả mô típ truyền thống và hiện đại nơi đây theo chân du khách có mặt khắp nơi trên thế giới.

14. Làng Điêu khắc gỗ Kim Bồng (Hội An – Quảng Nam)


Kim Bồng là làng nghề chạm trỗ điêu khắc gỗ nổi tiếng từ xa xưa. Kim Bồng thuộc phường Cẩm Kim, thành phố Hội An. Nghề mộc ở đây có nguồn gốc xuất xứ từ miền Bắc, được các nghệ nhân mộc làng Kim Bồng học hỏi, phối hợp với nghệ thuật chạm khắc của người Chăm, Trung Hoa và Nhật Bản để tạo nên những tác phẩm điêu khắc gỗ mang tính mỹ thuật và triết học cao.

Sản phẩm điêu khắc gỗ của Kim Bồng đã hiện diện ở nhiều gia đình, nhiều địa phương trong nước và nhiều quốc gia ở 5 châu lục.

15. Làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam)


Làng nghề đúc đồng Phước Kiều thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn. Người thợ đúc Phước Kiều tạo ra nhiều chủng loại sản phẩm phục vụ cho việc tế lễ, hội hè và vật dụng sinh hoạt hàng ngày như : chuông đồng, chiêng, kiểng, mõ, phèng la, lư hương, chân đèn, bình cổ…và một số nhạc cụ bằng đồng.

16. Làng nghề gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận)


Làng nghề cổ truyền gốm Bàu Trúc là làng gốm cổ ở Đông Nam Á, tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 10 km về hướng Nam. Tại đây du khách có thể xem những nghệ nhân người Chăm trực tiếp thao tác làm ra những sản phẩm gốm bằng đôi bài tay khéo léo của mình, xem những bãi nung gốm lộ thiên và mua sắm sản phẩm gốm làm quà lưu niệm. Sản phẩm gốm rất độc đáo, được làm hoàn toàn bằng tay khéo léo cùng những công cụ thô sơ như vòng tre, vỏ sò để tạo ra những đường nét hoa văn trên sản phẩm gốm. Nghề làm gốm rất công phu, vật liệu đóng một vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm gốm ở Bàu Trúc. Đó là một loại đất sét đặc biệt được lấy bên bờ sông Quao, đem về đó đập nhỏ và trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Lượng cát được trộn vào tuỳ thuộc theo kích thước và công dụng của mỗi loại sản phẩm. Do đó gốm Bàu Trúc hoàn toàn khác so với gốm của những nơi khác.

17. Làng nghề thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp - Chung Mỹ (Ninh Thuận)


Rời làng gốm Bàu Trúc, đi về hướng Đông Nam khoảng 3 km, du khách sẽ đến thăm làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp-Chung Mỹ, người Chăm gọi là Chakleng. Nét độc đáo của làng nghề dệt là dệt theo dạng thủ công truyền thống, những sản phẩm thổ cẩm làm ra vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn trong từng công đoạn, bí quyết, chất liệu, hoa văn của thời xa xưa để lại. Đến đây, du khách sẽ được chứng kiến đôi bàn tay thuần thục của những người thợ, sự khéo léo của các nghệ nhân để làm nên sản phẩm thổ cẩm tuyệt đẹp. Trong những năm gần đây sản phẩm thổ cẩm Mỹ Nghiệp-Chung Mỹ ngày càng đa dạng và phong phú: ngoài chăn, áo, khăn người ta còn làm các loại khác như cà vạt, túi xách, bóp, ví… để phục vụ khách mua quà lưu niệm trong chuyến du lịch về Ninh Thuận.

18. Làng nghề gốm sứ Lái Thiêu (Bình Dương)


Bình Dương vốn nổi tiếng với nghề làm gốm. Các sản phẩm gốm sứ sản xuất ở đây đều mang những đặc điểm riêng biệt, bóng, bền, đẹp, mẫu mã phong phú được người tiêu dùng ưa chuộng. Nghề làm gốm sứ Sông Bé trước đây và Bình Dương ngày nay đã phát triển đến trình độ cao từ đồ gia dụng, đồ trang trí mỹ nghệ đến đồ sứ công nghiệp.

19. Làng Tranh sơn mài Tương Bình Hiệp (Bình Dương)


Nổi tiếng nhất ở làng tranh sơn mài Bình Dương là làng tranh Tương Bình Hiệp, nằm cách thành phố Thủ Dầu Một 7km về phía bắc. Đến đây, du khách sẽ được chứng kiến từng công đoạn của nghề truyền thống sơn mài chỉ có ở Việt Nam. Với hàng trăm hộ làm tranh sơn mài, có hộ chỉ làm một hai công đoạn của tấm tranh rồi giao lại cho các hộ khác làm những công đoạn tiếp theo.

Có thể nói ở Tương Bình Hiệp, nghề làm tranh sơn mài đã được công nghiệp hóa với những dây chuyền sản xuất rạch ròi nhưng hoàn toàn mang tính gia đình, tinh xảo nhẹ nhàng mang đậm phong cách Á Đông. Những sản phẩm tranh sơn mài Bình Dương được người yêu tranh Việt Nam và thế giới ưa chuộng mua về treo trong nhà một cách trang trọng.

20. Làng dệt thổ cẩm Châu Giang (An Giang)


Đây là làng nghề mang nét đẹp và chiều sâu văn hoá giàu bản sắc của thổ cẩm dân tộc Chăm. Thổ cẩm Châu Giang không những mang nét đẹp truyền thống của thổ cẩm mà còn mang nét đặc sắc của văn hoá Chăm với các đường nét lạ độc đáo với nhiều loại sản phẩm thổ cẩm đa dạng như: xàrông, khăn choàng, nón, áo khoác…

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét