Top 20 làng nghề truyền thống nổi tiếng Việt Nam - Năm 2016 (P1)


Top 20 làng nghề truyền thống nổi tiếng Việt Nam - Năm 2016 (P1)

(Vietkings) - Các làng nghề truyền thống Việt Nam đã ra đời từ hàng ngàn năm trước với những sản phẩm vô cùng chất lượng và độc đáo. Sản phẩm của nghề truyền thống đã thể hiện rõ và bảo tồn được những nét, những sắc thái độc đáo của dân tộc.

Những giá trị văn hóa của dân tộc thể hiện tư duy của người Việt triết lý Á Đông, phong tục tập quán đặc sắc, truyền thống dân tộc, phong cách sống... đều được thể hiện qua nét vẽ, hình mẫu, cách trang trí và cấu trúc của sản phẩm. Dưới đây Vietkings chính thức công bố top 20 làng nghề truyền thống Việt Nam nổi tiếng hiện còn với những sản phẩm độc đáo và tinh xảo được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích.

1. Làng Gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội)


Bát Tràng là làng gốm cổ truyền nổi tiếng nằm ở bờ Bắc sông Hồng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Từ Bạch Thổ phường, nơi những dòng họ đầu tiên từ Thanh Hóa, Ninh Bình, mà mở đầu là dòng họ Nguyễn Ninh Tràng đến sinh cơ lập nghiệp, trải qua hơn 500 năm lịch sử thăng trầm, các thế hệ nối tiếp đã gìn giữ, lưu truyền và làm nên danh tiếng của một làng nghề ở khắp trong và ngoài nước. Gốm Bát Tràng sản xuất từ loại đất sét trắng đặc biệt. Người thợ thủ công chỉ dùng tay để nắn nót sản phẩm làm ra, sau đó vẽ tranh, tráng men rồi đưa vào lò nung.

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng tinh xảo, sắc nét với đủ kiểu đủ hình: chén, bát, lọ hoa, chậu, lư hương... không bị ngấm nước, không bị nhạt màu theo thời gian. Men Bát Tràng độc đáo, tinh tế với những bí quyết gia truyền làm nên nét đặc trưng riêng cho sản phẩm gốm sứ của làng. Và đó cũng chính là điều khiến khách tham quan phải trầm trồ khi có dịp ghé thăm.

2. Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ (Hà Nội)


Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ ở phía bắc Hà Tây (Hà Nội) là một làng nghề truyền thống có từ thời nhà Lý. Tổ của nghề này là ông Trương Công Thành, nguyên là một vị tướng tham gia trong đội quân của Lý Thường Kiệt, sau khi đánh tan quân Tống, ông về làng mở nghề khảm trai. Hiện nay ở làng còn đền thờ ông.

Nét nổi bật của tranh khảm trai Chuông Ngọ là những mảnh trai không vỡ, luôn phẳng, được gắn xuống gỗ khít, đẹp. Các mặt hàng chính của Chuông Ngọ là: tủ khảm, giường khảm… và những sản phẩm đơn giản như: bàn cờ tướng, tranh treo tường, đũa, khay… Gần đây, do nhu cầu của thị trường, nghề khảm trai ở đây đã phát triển mạnh để cung cấp hàng khắp trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

3. Làng Lụa Vạn Phúc (Hà Đông – Hà Nội)


Mặc dù chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 10km nhưng ngôi làng bên dòng sông Nhuệ này vẫn giữ được những nét đặc trưng của một làng nghề truyền thống như hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình, buổi chiều vẫn họp chợ dưới gốc đa trước đình. Bước chân tới cổng làng đã nghe thấy từng tiếng "lạch cạch” của những khung cửi phát ra từ những xưởng dệt.

Bà tổ nghề dệt lụa ở Vạn Phúc có tên là Lê Thị Nga, hiện trong làng còn có đền thờ bà. Lụa Vạn phúc nổi tiếng là "mịn mặt, mát tay”. Các mặt hàng lụa đa dạng: Lụa vân, Lụa the, Lụa xa, Lụa quế, Gấm…

Lụa Vạn Phúc không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

4. Làng tiện gỗ Nhị Khê (Hà Nội)


Trước đây, nghề tiện chỉ chuyên tiện đồ gỗ thờ tự, gia dụng như: đài nến, ống hương, bát nhang, đấu đong thóc, chân bàn ghế, tủ… Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nghề tiện giờ đây còn tham gia vào sản xuất các mặt hàng gia dụng cao cấp như: mành rèm cửa, đệm ghế ngồi ô tô, đồ trang trí nội thất, nhà cửa… Để phù hợp với yêu cầu của thị trường, làng nghề còn chuyển sang tiện các loại sản phẩm từ nguyên liệu đá sừng… thành đồ trang sức, mỹ nghệ độc đáo và tinh xảo, cho giá trị kinh tế cao như: bình, lọ, hộp đựng tăm, gạt tàn thuốc lá, các con vật quý…

5. Làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang)


Nghề gốm ở Thổ Hà phát triển rực rỡ từ thế kỉ 14. Đây là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) và Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Thổ Hà mang những nét đặc sắc riêng hiếm có: độ sành cao, không thấm nước, tiếng kêu như chuông, màu men nâu đỏ mịn màng, ấm áp và gần gũi. Gốm có độ bền vĩnh cửu dù được chôn trong đất, ngâm trong nước. Làng chỉ làm đồ gốm gia dụng, những chum vại, tiểu sành, chĩnh chõ nổi tiếng một thời. Những mảnh gốm xưa còn sót lại trên các bức tường vẫn nguyên hình vẹn trạng, hồn gốm như còn đọng mãi.

6. Làng nghề đồ gỗ mĩ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh)


Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ là một làng nghề nổi tiếng từ xa xưa. Đồng Kỵ nay thuộc xã Đồng Quang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cách thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía đông bắc. Làng nghề Đồng Kỵ cung cấp gần như đầy đủ các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp cho sinh hoạt, trang trí nội thất hay thờ cúng… Những sản phẩm từ Đồng Kỵ đều được làm từ các loại gỗ quí như: gụ, trắc, hương, mun, nu, sưa…

Với thu nhập hàng trăm tỉ đồng/năm, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động không chỉ của làng mà còn thu hút thợ của các nơi khác đến.

7. Làng Tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh)


Đông Hồ là một làng chuyên vẽ tranh dân gian nổi tiếng ở Việt Nam, Đông Hồ thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nghề vẽ tranh dân gian ở đây đã có từ lâu đời. Xưa, làng chỉ vẽ tranh để bán trong dịp Tết Nguyên Đán nhưng nay, tranh dân gian Đông Hồ được vẽ cả những ngày thường để phục vụ khách du lịch. Nguyên liệu để vẽ tranh là giấy dó và màu là: gạch non, lá cây, rể cây đốt thành than. Muốn cho tranh có độ óng ánh người ta dùng vỏ sò, nghêu nung lên thành vôi, giả nhỏ, trộn với nhựa cây phết đều lên giấy dó sau đó bắt đầu vẽ. Tranh dân gian Đông Hồ có nhiều mảng: tranh động vật: chó, mèo, trâu, bò, gà, lợn..., mảng "hứng dừa; đám cưới chuột; đánh ghen” xem rất thích mắt. Hầu hết tranh Đông Hồ đều thể hiện ước vọng hòa bình, hạnh phúc, ấm no... cho nên thường được treo trong nhà trong những dịp Xuân về.

8. Làng Gốm Chu Đậu (Hải Dương)


Làng nghề gốm Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, Huyện Nam Sách đã nổi tiếng trên thế giới từ hơn 500 năm nay. Các sản phẩm gốm Chu Đậu đang được lưu giữ tại nhiều bảo tàng quốc gia trên thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Hà Lan… và trong sưu tập cá nhân của nhiều nước trên thế giới. Một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn. Hoa văn cổ của Chu Đậu phần nhiều là sen, cúc, dưới nhiều dạng khác nhau và hàng chục loại hoa văn cách điệu khác.

9. Nghề thêu ren Văn Lâm (Ninh Bình)


Ở Văn Lâm hiện nay, có rất nhiều gia đình trang bị các loại khung thêu, với nhiều kích cỡ khác nhau. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ thêu, qua những sợi chỉ mảnh mai, nhiều màu sắc trên nền vải được chọn, những tác phẩm nghệ thuật tinh tế đã ra đời. Đường nét thêu ren rất tinh xảo, uyển chuyển, mềm mại, thanh tú nhưng lại sống động mịn màng như nét vẽ của người họa sĩ. Sản phẩm thêu ren rất phong phú như: ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn bàn, khăn tay, tranh, ảnh....

10. Làng Chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình)


Là làng chạm khắc kim loại quý thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương. Người khởi nghiệp là nghệ nhân chạm bạc Nguyễn Kim Lâu. Ông đã tới và truyền dạy nghề cho người dân Đồng Xâm cách nay hơn 300 năm. Hiện nghề chạm khắc kim loại quý tại làng ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến.

TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM


tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét