Tận dụng tối đa các FTA để đạt mục tiêu xuất khẩu


(VEN) - Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam như nông sản, thủy sản… đã đạt đến ngưỡng, trong khi Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu nâng kim ngạch XK lên 300 tỷ USD năm 2020 và đạt tốc độ tăng trưởng XK 11-12%/năm. Đây được coi là mục tiêu lớn và khó hoàn thành nếu các hiệp định thương mại tự do (FTA) không được tận dụng tối đa.

Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu

XK được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi nền kinh tế thế giới vẫn phục hồi tương đối chậm. Đây là thách thức để nước ta hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch XK lên 300 tỷ USD vào năm 2020 và đạt tốc độ tăng trưởng XK 11-12%/năm. Để đạt được mục tiêu, các FTA vừa được ký kết và sắp có hiệu lực cần được tận dụng tối đa, bởi theo tính toán của Bộ Công Thương, XK của Việt Nam mới chỉ chiếm trên dưới 1% tổng nhập khẩu của các thị trường có FTA với Việt Nam. Cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vẫn còn tương đối nhiều.

Đơn cử như năm 2015, tổng kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc đạt 527,2 tỷ USD tỷ USD, trong khi kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 8,94 tỷ USD, chiếm gần 1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này. Theo con số của Bộ Công Thương, hàng Việt Nam mới chiếm khoảng 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu, 1,25% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường EU, 1,16% tổng kim ngạch nhập khẩu của các thị trường TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương).

Các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong các FTA, với mức cắt giảm thuế sâu rộng, sẽ mở đường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, thủy sản, nông lâm sản… vào nhiều thị trường trên thế giới. Các FTA cũng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Việt Nam để sản xuất hàng XK, như trường hợp Samsung đã đầu tư rất lớn vào sản xuất linh kiện, điện thoại ở nước ta. Điều này sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình nội địa hóa, tăng giá trị hàng XK của Việt Nam, giúp Việt Nam đạt mục tiêu XK 300 tỷ USD vào năm 2020.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, hàng XK Việt Nam cần được gia tăng cả về số lượng, chất lượng, giá trị gia tăng theo đúng các điều kiện về nguồn gốc, xuất xứ để đảm bảo việc vào các thị trường quốc tế một cách suôn sẻ. Đơn cử như thị trường EU là thị trường rộng lớn với đòi hỏi rất cao về chất lượng hàng hóa, cho nên, để tận dụng được cơ hội XK vào thị trường này, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Với một số thị trường ở xa như các quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu, khoảng cách địa lý là một rào cản, nếu không có biện pháp phù hợp thì chi phí về vận tải sẽ làm tăng giá sản phẩm, gây bất lợi cho hàng hóa của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến cáo cần tính toán về phương tiện vận tải phù hợp để hàng hóa có được sức cạnh tranh cao nhất. Phương thức thanh toán cũng là yếu tố quan trọng cần chú ý và các doanh nghiệp Việt Nam phải bàn rất kỹ với các đối tác của Liên minh để làm sao khi tiêu thụ hàng hóa hay mua sản phẩm từ phía bạn không bị vướng bởi các điều khoản thanh toán, thuận lợi về giao dịch.

Bảo Ngọc


tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét