Phát triển bền vững làng nghề truyền thống


Gắn kết làng nghề truyền thống với du lịch sẽ góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề một cách bền vững, mở rộng thị trường. Từ đó phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề một cách tích cực.

Có nhiều tiềm năng

Cho đến nay, TPHCM vẫn còn giữ được nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Huyện Củ Chi có làng rế Phước Vĩnh An, làng rổ rá Mũi Lớn, làng bánh tráng Phú Hòa Đông, làng mành trúc Tân Thông Hội, làng đan bồ An Nhơn Tây. Huyện Bình Chánh có làng nghề xe nhang Lê Minh Xuân, làng đan đệm Tân Túc, làng dệt chiếu Nam Đa Phước, làng rượu An Phú Tây. Quận Tân Bình làng nghề lồng đèn Phú Bình, làng nghề thủy tinh Phú Thọ. Quận Gò Vấp có làng đúc lư đồng An Hội, làng dệt chiếu Bến Hải. Quận 4 có làng giày Khánh Hội. Quận 6 có làng chổi bông cỏ, xóm chổi lông gà. Quận 8 có làng dệt chiếu Bình An, làng bao giấy Bình Đông, làng đóng sửa ghe Cầu Rạch Ông. Quận Thủ Đức nổi tiếng với làng nem Thủ Đức. Quận 12 có làng chạm khắc gỗ Trung Mỹ Tây. Và còn nhiều những làng nghề, xóm nghề khác nữa đang tồn tại ở TPHCM…


Lồng đèn Trung thu sản xuất ở làng nghề lồng đèn Phú Bình (quận Tân Bình, TPHCM) có những sáng tạo mới, gần gũi cuộc sống. Ảnh: THANH HẢI

Mỗi làng nghề đều có giá trị văn hóa và sức hấp dẫn riêng. Chị Thu Nga, hướng dẫn viên du lịch, kể: “Có lần đưa đoàn khách Hà Lan đến Củ Chi tham quan địa đạo, sau đó tôi đưa khách vào thăm một lò bánh tráng, họ vô cùng thích thú, nhiều người nhờ chủ nhà cho học nghề tại chỗ tráng thử bánh. Họ còn ghi lại địa chỉ để liên lạc và tặng tiền cho chủ nhà nữa. Qua đó cho thấy những làng nghề có sức hấp dẫn du khách ở sự lạ lẫm trong cách làm sản phẩm thủ công dân dã”. Thật vậy, nhiều du khách nước ngoài đã tỏ ra rất thích thú khi đến tham quan làng nghề xe nhang ở xã Lê Minh Xuân, do được tận mắt quan sát biết được từng công đoạn làm thành những cây nhang. Nhiều du khách cũng cảm thấy thú vị khi đến thăm làng nghề sơn mài Thủ Đức, ngoài việc chứng kiến những nghệ nhân đục, chạm, mài..., họ còn được xem nhiều tác phẩm nghệ thuật sơn mài đặc sắc. Thế nên, phát triển du lịch làng nghề cũng là một thế mạnh của ngành du lịch TPHCM.

Để sự gắn kết trở nên hiệu quả

Văn hóa và cơ cấu làng nghề ở TPHCM đã bị biến đổi mạnh bởi quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Nhiều bất cập làm hạn chế sự phát triển du lịch làng nghề, như hạ tầng giao thông đến điểm làng nghề còn thiếu, trong khi đó chất lượng phục vụ du khách còn yếu. Đời sống của nghệ nhân còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo và ít đầu tư nên sản phẩm du lịch còn sơ sài, thậm chí nhiều người không giữ được nghề. Mặt khác, về quản lý, các ban, ngành tại địa phương thiếu sự phối hợp trong xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch làng nghề. Vì vậy để các làng nghề thực sự là điểm đến hấp dẫn, cần phải xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề; đồng thời đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ du khách, đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân làng nghề. Cần chú trọng gắn kết giữa làng nghề và các công ty du lịch, quảng bá du lịch phải được quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa. Đặc biệt, để phát triển du lịch làng nghề bền vững, cần quan tâm đến vấn đề môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.

Để làng nghề ngày càng thu hút du khách, cần chú trọng bảo tồn các giá trị đặc sắc và có chính sách để phát triển hoạt động tại các làng nghề. Cụ thể, cần phân loại những ngành nghề truyền thống có khả năng tồn tại, phát triển và những ngành nghề có nguy cơ mai một, để có chính sách phù hợp; lựa chọn sản phẩm đặc trưng để đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống có sản phẩm xuất khẩu thu ngoại tệ cao. Song song đó, Nhà nước cần có chính sách ổn định lâu dài đối với các vùng nguyên liệu có sẵn và tiếp tục quy hoạch các vùng nguyên liệu mới tại địa phương để đáp ứng nhu cầu của các làng nghề; đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho các làng nghề, trong đó vai trò của nghệ nhân cũng như cộng đồng cần được phát huy trong việc dạy nghề, truyền nghề tại các làng nghề. Nếu làm tốt công tác gắn kết du lịch với làng nghề truyền thống, thì du lịch làng nghề không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có những giá trị nhân văn tốt đẹp.

Nếu muốn làng nghề hưng thịnh, phải có hợp tác xã để chăm lo việc hướng dẫn truyền nghề và phương thức kinh doanh, tổ chức xúc tiến thương mại, triển khai các chính sách tư vấn đến các hộ sản xuất. Ngay tại làng nghề, cần có cơ sở kinh doanh tại chỗ bán giá rẻ. Sản phẩm của làng nghề cần giữ gìn được các giá trị bản sắc dân tộc, đồng thời hợp thị hiếu của người tiêu dùng. Do vậy rất cần có nhà thiết kế để có những sáng tạo mới, gần gũi cuộc sống.

Thạc sĩ TRỊNH THỊ HIỀN 
(Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM)
http://www.sggp.org.vn/nhipcaubandoc/2016/3/415614/

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét