An Giang - Làng nghề rộn ràng đón Tết


(AGO) - Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 nhưng không khí làm việc tại các làng nghề trồng hoa, kiểng, cây ăn trái phục vụ Tết đã nhộn nhịp, khẩn trương. Các làng nghề hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm.

Đến cồn An Thạnh, xã Hòa An (Chợ Mới) dễ dàng bắt gặp không khí tất bật, hối hả của bà con xứ cồn đang chuẩn bị hoa Tết. Ở khắp nơi, từ những mẫu đất cho đến bờ ruộng, bờ đê, hay dọc theo sông Hậu, những bãi bồi ven sông đều được tận dụng triệt để cho việc xuống giống các loại hoa. Người vô đất, người tưới nước, người bón phân… tạo nên không khí nhộn nhịp và nối tiếp nhau không ngơi tay. Cũng như mọi năm, đa số người dân ở đây đều trồng các loại hoa phổ biến nhất, như: Cúc Đài Loan, cúc Tiger, cúc mâm xôi, hoa hồng, cùng một số loại có giá trị cao như cẩm nhung, hoàng yến... Ông Bùi Văn Hùm cho biết, thời gian tốt nhất để bắt đầu xuống giống là đầu đến giữa tháng 8 âm lịch, đến độ tháng Chạp thì cây bắt đầu ra hoa. Để có những cây hoa đẹp và chất lượng, người dân xứ cồn đặt hoa giống trên tận xứ hoa Đà Lạt.

Theo bà Lê Thị Điệp, bà đã xuống giống hơn 3.000 chậu hoa cúc với các loại như Tiger, Đài Loan, cúc mâm xôi… “Đến thời điểm này, các giống hoa cúc đã xuống giống tại vườn đều phát triển tốt. Tôi đang xử lý thuốc, nước đúng liều lượng để đảm bảo hoa nở đúng dịp Tết” - bà Điệp cho biết.

Các nhà vườn trồng mai có tiếng ở Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), TX. Tân Châu cùng các nhà vườn trong tỉnh đã bước vào cao điểm chăm sóc tỉa cành, uốn mai… cho kịp bán trong dịp Tết. Chỉ tính riêng vườn mai của ông tư Huỳnh (xã Mỹ Hòa Hưng) đã có hơn 1.500 cây mai lớn, nhỏ. Ông Huỳnh cho biết, từ tháng 10, ông đã bắt đầu cắt tỉa tạo tàng, uốn cho những cây mai có hình dáng đẹp hơn và dễ bán hơn. Đồng thời, xịt thuốc phòng trị bệnh và thuốc dưỡng cho lá xanh tốt hơn. “Tùy theo thời tiết cuối năm nắng nhiều hay lạnh nhiều mà mình điều chỉnh nước, phân bón… để mai ra hoa kịp Tết. Thời điểm hiện tại chưa thể nhận định được tình hình hoa Tết năm nay nhưng tôi sẽ cố gắng đưa ra thị trường những cây mai đẹp và chất lượng nhất” - ông Huỳnh nhấn mạnh.

 Đối với loại cây có múi như quýt, cam được người dân núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên) mang giống từ Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… về trồng phục vụ Tết. Các loại cây này tỏ ra rất thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất núi. Những người đầu tiên thành công với mô hình này là ông ba Tùng và ông Trần Hoàng Anh. Trong đó, vườn quýt đường của ông Hoàng Anh ở ấp vồ Đầu thuộc loại có tiếng trên vùng núi Cấm. Quýt của ông Hoàng Anh được bạn hàng, người tiêu dùng rất ưa thích do trái lớn, hương vị thơm ngon. Năm vừa rồi, ông Hoàng Anh thu hoạch 2 công đất trồng quýt đường được trên 5 tấn trái. “Coi như ban đầu đã thành công. Mới thu hoạch quýt được một, hai đợt, tới Tết còn ăn dài dài. Cây mới cho trái năm thứ hai, thấy ham lắm” – ông Hoàng Anh cho biết. Cây của ông trồng là giống quýt đường ghép gốc bưởi, màu sắc không rực rỡ như quýt tiều, quýt hồng, nhưng trái to, hương vị rất thơm và ngon ngọt nên được nhiều người ưa chuộng.

Nối tiếp thành công của ông ba Tùng và Hoàng Anh, nhiều nhà vườn núi Cấm đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng quýt để bán trong dịp Tết. Thành công của 2 ông đã tạo cho núi Cấm một diện mạo mới trong mùa hành hương. Khi đó, đông đảo du khách có thể thưởng ngoạn du cảnh và thưởng thức loại trái cây ngọt lịm của núi Cấm.

ĐỨC TOÀN
baoangiang.com.vn

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét