Phát triển làng nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập (Tiếp theo và hết)


Làng nghề tre trúc Xuân Lai (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 400 đến 500 lao động.

Bài 2: Chung tay phát triển các làng nghề

Để giải quyết khó khăn, giúp các làng nghề phát triển trong thời kỳ hội nhập, cần có những giải pháp hiệu quả xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành chức năng, các địa phương cần có sự phân cấp quản lý rõ ràng, tránh chồng chéo trong quản lý nhà nước ở địa phương…


Bảo đảm thị trường tiêu thụ sản phẩm

Sản phẩm của làng nghề truyền thống đã và đang được người tiêu dùng chấp nhận nhưng chưa có sức lan tỏa do giá thành cao, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng cả trong và ngoài nước là một thực tế khiến cho hàng Việt truyền thống chưa thể đến nhiều với những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như: Anh, Mỹ, Pháp và Đức. Chính vì vậy, chủ trương hiện đại hóa công nghệ trong các làng nghề sao cho vừa bảo đảm tính nguyên tác, nhưng sản phẩm làm ra không mất đi tính truyền thống, tính độc đáo, độ tinh xảo, vừa đẩy mạnh được việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho các làng nghề như đào tạo về kiến thức quản lý, về khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ các nghệ nhân, thợ lành nghề đào tạo truyền nghề trực tiếp tại cơ sở, đã trở thành đòi hỏi cấp bách đối với hầu hết các làng nghề truyền thống.

Làng nghề trúc Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), là một trong những làng nghề đi đầu trong đầu tư, cải tiến mẫu mã sản phẩm hợp với thị hiếu khách hàng. Trưởng thôn Xuân Lai Nguyễn Đình Nam chia sẻ: “Khoảng 25 năm nay, nghề tre, trúc phát triển mạnh. Các sản phẩm như tranh tre, bàn, ghế, xích đu, giường, tủ, kệ sách, khung nhà tre… của thôn đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Hiện nay, thôn có 840 hộ thì khoảng 30% số gia đình tham gia làm nghề, trong đó có 45 xưởng sản xuất với thu nhập khoảng 150 đến 200 nghìn đồng/người/ngày.

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Giải Pháp Xuân Lai Lê Văn Xuyên chia sẻ: “Hiện nay, mỗi năm công ty có doanh thu đạt khoảng ba tỷ đồng. Để chủ động trong việc sản xuất, kinh doanh, công ty đã thực hiện việc quảng bá thương hiệu sản phẩm qua các kênh khác nhau, vì vậy các sản phẩm như bàn, ghế, giường, tủ… đã được nhiều khách hàng biết đến. Ngoài việc tìm hiểu thị trường, công ty chúng tôi cũng luôn thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng”.

Trên thực tế, làng nghề trúc Xuân Lai chỉ là một trong số không nhiều làng nghề xây dựng được thương hiệu và tìm được một hướng đi đúng trong phát triển nghề truyền thống. Hiện Bắc Ninh có 62 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề truyền thống như: tái chế giấy Phong Khê, sản xuất rượu Đại Lâm, đúc nhôm chì Văn Môn, sản xuất sắt thép tái chế Đa Hội, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, đúc đồng Đại Bái, làm bún Khắc Niệm... vẫn rơi vào cảnh “chợ chiều”.

Lý giải tình trạng nêu trên, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Bắc Ninh khẳng định, do quy mô sản xuất của các làng nghề hầu hết là nhỏ lẻ, cả làng cùng sản xuất ra những sản phẩm giống nhau từ dây chuyền công nghệ thủ công và lạc hậu cho nên không chỉ tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu mà còn khiến người tiêu dùng không hứng thú với các sản phẩm hiện có.

Khắc phục sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ

Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, để các làng nghề truyền thống phát triển, cần thống nhất giao nhiệm vụ chủ trì quản lý nhà nước về lĩnh vực nghề và làng nghề cả nước, tránh tình trạng chồng chéo như hiện nay. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghề và làng nghề truyền thống phát triển bền vững, như tiếp cận nguồn vốn tín dụng, giảm các thủ tục hành chính, tăng cường cho vay tín chấp, giảm lãi suất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề tháo gỡ những chính sách không phù hợp trong tiếp cận nguồn vốn, tạo động lực thúc đẩy các nhà khoa học, công nghệ trong việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào làng nghề. Có chính sách khuyến khích các làng nghề đưa hàng về các vùng nông thôn, miền núi, mở rộng thị trường nội địa; các làng nghề cần mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, trước hết tại các địa điểm nổi tiếng; củng cố cơ sở vật chất, tổ chức việc quảng bá, đào tạo hướng dẫn viên (nên sử dụng một số nghệ nhân), khắc phục các tệ nạn gây phản cảm cho khách du lịch.

Sản phẩm là yếu tố mang tính sống còn của các làng nghề, do vậy cần tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã và hình thức đẹp mắt, thu hút được người tiêu dùng. Để làm được điều đó, các làng nghề cần thường xuyên đầu tư hiện đại hóa công nghệ, cải tiến đổi mới phương pháp sản xuất, trau dồi tay nghề cho người lao động; tăng cường đào tạo nghề, cải tiến phương thức đào tạo, chuyển giao thêm cho các tổ chức xã hội thực hiện để đạt hiệu quả thiết thực hơn, người lao động sau khi được đào tạo có thể làm việc được ngay, không phải đào tạo lại; chú trọng phát huy các nghệ nhân vào giảng dạy tại các trường, lớp; hỗ trợ đào tạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các làng nghề; tuyên truyền rộng rãi để các cơ sở làng nghề, có thông tin, hiểu rõ, nắm chắc các quy định về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), từ đó chủ động chuẩn bị các giải pháp khi gia nhập và cũng là để các cơ quan nhà nước nắm chắc các quy định, tạo thuận lợi cho các cơ sở. Tập trung xử lý những cơ sở ô nhiễm nặng, tại những vùng rộng, những dòng sông liên quan nhiều địa phương, đồng thời có chính sách giúp đỡ cho các cơ sở tự xử lý dứt điểm ô nhiễm tại chỗ; di chuyển các cơ sở ô nhiễm...

Thực hiện tốt chương trình phát triển mỗi làng một nghề

Năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng “Chương trình phát triển mỗi làng một nghề, giai đoạn 2006-2015” với mục tiêu đưa mức tăng trưởng ngành nghề nông thôn đạt 15%/năm, thu hút khoảng 300 nghìn lao động mỗi năm làm việc tại các làng nghề... Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng cho nhiều làng nghề truyền thống trên cả nước vượt qua khó khăn để tồn tại. Trên thực tế, mô hình này đã, đang mang lại những kết quả nhất định trong vực dậy nhiều làng nghề truyền thống.

Làng nghề dệt lụa Mã Châu, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) sau hàng chục năm thăng trầm, giờ đây đang bắt đầu hồi sinh. Với lịch sử khoảng 500 năm, sản phẩm lụa Mã Châu không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi các nước khác. Thế nhưng, vào những năm 90 của thế kỷ trước, do thị trường xuất khẩu sang các nước Ðông Âu, Liên Xô biến động; sản phẩm làm ra không tiêu thụ được cho nên phần lớn bà còn đành phải “treo” khung dệt. Những năm gần đây, do thị trường xuất khẩu vải bắt đầu phục hồi, lại được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ nên làng nghề Mã Châu từng bước được khôi phục. Từ năm 2009, HTX tơ lụa Mã Châu ra đời, thật sự mở ra một thời kỳ mới cho lụa Mã Châu.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Trần Hữu Phương, Phó Giám đốc phụ trách HTX cho biết, dù còn nhiều khó khăn, nhưng sau một thời gian củng cố, đến nay, HTX đã xây dựng được chiến lược phát triển lâu dài, đó là trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, hoàn thành sản phẩm, xây dựng hệ thống bán lẻ và kết nối du lịch. Năm 2014, HTX sản xuất hơn 14 nghìn sản phẩm lụa các loại, với doanh thu gần bốn tỷ đồng. Nhờ duy trì được sản xuất, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động, với thu nhập bình quân bốn triệu đồng/người/tháng. Gần đây, để gắn sản xuất với phát triển du lịch làng nghề, ngoài việc nâng cấp lại điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại thị trấn Nam Phước, HTX đã đầu tư xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại khu phố cổ Hội An vào hoạt động phục vụ du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, làng dệt Mã Châu có khoảng 400 hộ dân gắn bó với nghề dệt nhưng chỉ có HTX Tơ lụa Mã Châu còn giữ được dệt lụa tơ tằm nguyên thủy.

Dù mô hình mỗi làng một nghề đã khẳng định tính ưu việt trong thời kinh tế thị trường, nhưng mô hình này cũng đang gặp phải không ít khó khăn về cơ chế, chính sách; thị trường tiêu thụ sản phẩm; hệ thống mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm và bao bì do chưa có đổi mới; sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ…

Hiện nay số làng nghề và làng có nghề ở nước ta là 5.096. Số làng nghề truyền thống được công nhận là 1.839, thu hút khoảng 10 triệu lao động. Có nhiều làng nghề tồn tại hàng trăm năm, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng, Chu Đậu, gốm Bầu Trúc, gỗ Sơn Đồng, Ý Yên… Song điều đáng nói, hầu hết các làng nghề truyền thống đều rơi vào cảnh “chợ chiều” do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.

(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

BÀI VÀ ẢNH: HÙNG SƠN, MINH HUỆ VÀ NGUYÊN SƠN



tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét