Ngày của một nghề: Độc đáo nghề làm khám thờ ở đảo Phú Quý


Ông Đỗ Phiêu.

Bình dân hóa rồng, phượng

Nhân vật của tôi là ông Đỗ Phiêu, ông chất phác đến mức, ngồi nói thao thao bất tuyệt về cái nghề của mình mà quên mất mục đích buổi trò chuyện. Đến khi tôi hỏi tên ông, ông ngơ ngác hỏi lại: “Tui tên Đỗ Phiêu, à mà sao hỏi tên tui thế?”. Tôi đã phải nhắc lại rằng, ông đang là nhân vật của mình, ông phá lên cười: “Ừ nhỉ! Nhớ rồi. Vậy mà nãy giờ tui vẫn còn tưởng cô đến đây để học nghề. Muốn học không, tui chỉ cho! Tui thèm có người đến học nghề quá”. Nói rồi, ông tự nhếu mình già cả, lẩm cẩm: “72 tuổi rồi nên lẩm cẩm thế đấy”. Tôi vẫn thấy ông còn minh mẫn, dẻo dai lắm. Vừa trò chuyện với tôi, ông vừa sơn nốt hình cái vây con rồng trên tấm mày bộ khám thờ. Ánh mắt ông say mê thích thú. Đôi tay cầm cọ nâng lên, hạ xuống mềm mại, “luyến láy” theo những đường cong, theo những nét đậm nhạt của mình rồng, trông ông thanh thản chẳng khác gì một ông đồ đang viết thư pháp.

Ông Phiêu kể rằng, muôn đời nay, những cuộc mưu sinh miệt mài của người dân trên đảo Phú Quý luôn gắn liền với biển cả, với cá tôm. Biển cũng như con người với đủ nét tính cách, khi hiền lành, khi giận dữ, khi êm ả ngọt ngào, khi lại nổi cơn tam bành, gào thét. Gắn bó với biển, người dân nhỏ bé, tội nghiệp chỉ biết phó thác vào sự buồn vui của thiên nhiên. Bởi vậy, trước mỗi lần đi ra biển đánh bắt, nhất là trước những chuyến đánh bắt xa bờ, người dân lại khấn vái tổ tiên, xin được phù hộ thuận buồm xuôi gió. Bàn thờ gia tiên vừa nhắc nhớ họ về cái gốc gác của mình, vừa là nơi tâm linh, thiêng liêng nhất trong một gia đình. Bằng giá nào, mỗi gian thờ trong ngôi nhà dân đảo Phú Quý nhất thiết phải có bộ khám.

Khám thờ ở Phú Quý đầy đủ thường được gọi là khám thờ kép. Ở phía mặt trước và trên cùng gọi là tấm mày. Mày được khắc 2 con rồng đối xứng nhau. Bên dưới mày là chân quỳ, chạm khắc bộ tứ quý mai, lan, cúc, trúc cách điệu, tượng trưng cho sự tươi đẹp, hòa thuận của thiên nhiên trong 4 mùa. Hai trụ long đăng ở hai bên, tượng trưng cho 2 cột nhà. Từ trên xuống dưới của long đăng, chạm trổ hình rồng, phượng ôm lấy thân trụ. Phần ngoài cùng hai bên gọi là cánh quạt, người ta chạm trổ các hình ảnh, hoa văn của 4 con vật tứ linh: Long, lân, quy, phụng.

Con rồng ông Phiêu đang sơn vẽ có nét hiền lành, bình dân chứ không quyền uy như hình tượng và quan niệm vốn có của nó. Tôi có cảm nhận bộ khám thờ của người dân đảo Phú Quý chứa đầy hình tượng của những con sóng. Có lẽ, họ ưa sự mềm mại, ưa những đường cong. Thậm chí, đến rồng, phượng như được các nghệ nhân cách điệu làm cho mềm mại, hiền lành đi, trở nên gần gũi với cuộc sống thường ngày của họ. Ông Đỗ Phiêu vừa miệt mài sơn vẽ hình rồng trên tấm mày khám, vừa gật đầu đồng ý với cảm nhận của tôi: “Đúng rồi, dân xứ tui thích rồng phượng trên bàn thờ gia tiên phải bình dân, nhưng cũng phải sinh động nữa”.

Hình ảnh rồng phượng trên khám thờ của người dân đảo Phú Quý chứa đầy màu sắc sôi nổi, xanh có, hồng có, vàng có, tím cũng có…

Ông Phiêu giải thích, người đảo Phú Quý gốc gác đa số là người miền Trung. Cuộc sống biền biệt với đất liền khiến việc giữ lại hình ảnh chiếc khám thờ như nguyên gốc quê mình trở nên khó khăn. Sống lâu đời trên đảo, họ đã hình thành những thứ rất riêng, rất Phú Quý. Cũng như giọng nói đặc trưng, pha trộn của nhiều tỉnh thành, chiếc khám thờ với hình ảnh rồng, phượng như hiện nay là kết quả của những sự pha trộn, góp ý lâu đời. Đến nỗi dù là dân Phú Quý gốc Phú Yên hay gốc Bình Định, gốc Ninh Thuận hay gốc Quảng Ngãi, Quảng Nam… đều thấy chiếc khám ấy quen thuộc, có nét gần gũi với gốc gác của mình.

Nghệ nhân “đơn độc”

Kể về lý do vì sao gắn bó với nghề làm khám thờ, ông Đỗ Phiêu lại cười thật thà: “Hồi đó, dân Phú Quý sống bằng nghề đi biển là chính. Nhưng đi biển cần phải có sức khỏe, sự dẻo dai. Hồi thiếu niên, tui đã thấy sức khỏe mình yếu, khó có thể gắn bó với nghề đi biển được. Khi đó, ông nội và ba tui đều đi làm thợ cho xưởng làm khám thờ. Tui cũng xin theo phụ kiếm tiền. Công việc ban đầu chỉ là làm công ăn lương, nhưng sau này tui lại thích và gắn bó với nghề. Gắn bó đến tận bây giờ”.

Sau giải phóng, ông Phiêu tự đứng ra mở xưởng làm khám thờ. Cùng với những người thanh niên trong xã. Ông miệt mài làm khám thờ theo sự đặt hàng của người dân. Với sự giúp sức của họ, cứ khoảng 2 tháng, ông làm xong một bộ khám. Sau này, nhiều thanh niên mải miết với công việc đi biển, có người lại về Phan Thiết làm ăn. Còn lại có một mình nên mỗi năm ông cũng chỉ dám nhận một hai bộ khám về làm.

Ông Phiêu bảo rằng, nghề làm khám không mất nhiều sức lực, nhưng đòi hỏi sự kỹ lưỡng, cẩn thận và một chút khéo léo, tài hoa. Để thực hiện một bộ khám phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, nhưng có thể tóm tắt ở 3 công đoạn chính: Chuốt gỗ đục chạm và cuối cùng là sơn vẽ. Gỗ làm khám phải là gỗ tốt, có độ cứng, chắc chắn. Gỗ lõi mang về bào, đục mộng, rồi dùng giấy nhám, đánh cho bề mặt gỗ trở nên láng mịn, vuông vức.

Sau đó, người thợ sẽ phác thảo những đường nét hoạ tiết bằng bút chì trên bề mặt gỗ, đục chạm theo đường nét. Chiếc khám có đẹp hay không được quyết định rất nhiều ở công đoạn này. Bàn tay người thợ quyết định đường nét theo độ nông sâu của từng chi tiết. Cuối cùng là sơn vẽ. Công đoạn này không có một công thức nào, mà hoàn toàn dựa theo sự khéo léo, cảm nhận màu sắc của người vẽ.

Nhớ hồi còn “đi làm công ăn lương”, ông Đỗ Phiêu cũng phải mất đến 9 năm để học đục chạm. Học từ khi còn là một cậu thiếu niên đến khi… lấy vợ mới học xong. Còn sơn vẽ thì cứ theo cảm nhận của riêng mình, vì “chắc là tui cũng có năng khiếu vẽ vời đôi chút”. Ông bảo, chỉ riêng một cái râu con rồng thôi, cũng một màu đen, nhưng không phải cứ quết màu lên mà thành. Sơn vẽ sao cho đầu cọ tạo nên những vệt màu duyên dáng, để “cặp râu phải ra hồn vía của cặp râu”.

Công đoạn sơn vẽ này cũng bén duyên từng người. Có người học mãi không xong, không vẽ được. Có người chỉ mới quan sát đôi lần đã có thể tô vẽ được trên khám gỗ. Con trai ông là một ví dụ: “Hắn nhìn tui đôi lần đã xin làm thử. Trông thấy hắn vẽ, tui giật mình, không hiểu vì sao hắn vẽ đẹp vậy”.

Từ đó trở đi, con trai trở thành phụ tá đắc lực giúp ông rất nhiều ở công đoạn sơn vẽ. Mãi đến 2 năm nay, con trai đi học tận Phan Thiết, nhiều lúc, ông vẫn thường gửi tàu những chi tiết trên khám ra cho con trai vẽ giúp.

Ông bảo rằng, không phải mình mệt mỏi đến mức phải gửi khám ra tận Phan Thiết nhờ con trai sơn vẽ giúp. Lý do là vì ông cảm thấy mình “cứ đơn độc thế nào”. Một mình làm bao nhiêu công đoạn, rồi khi tác phẩm sắp thành công, ông muốn có ai đó góp ý với ông, có ai đó thẩm định giúp ông đẹp - xấu thế nào. Điều sâu xa hơn, ông muốn có một sợi dây gắn kết để truyền nghề cho con trai. Ông sợ “thằng ku ham học quên nghề”. Ông sợ nghề mà ông bỏ cả đời đeo đuổi sẽ mai một đi mất.

Ở cái tuổi của mình, ông vẫn cố làm mỗi năm một hai cái khám, cốt là “cho có cái nghề”. Hơn nữa là để “đợi thằng con về nối nghiệp. Nó học cao, học rộng thì chẳng còn mê nghề của tui nữa. Tui chẳng dám khuyên, chỉ có ý nhắc nhớ nó. Chỉ cần nó còn cùng tui làm nghề đến khi nào tui kiếm được người đến xin học việc”. Nhưng ông bảo chắc khó, giờ ông đã 72 rồi, “sắp về trời rồi”.

Ông nói câu ấy, giữa cái nắng chang chang ở đảo Phú Quý, giữa làn gió mang hơi biển mặn mòi rin rít da thịt, dường như tôi thấy giọt nước lóng lánh trong đôi mắt người nghệ nhân già. Ông phẩy tay, cố gượng cười: “Chao ôi! tui lẩm cẩm rồi, lẩm cẩm thật rồi”.

KHƯƠNG QUỲNH


tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét