Võ Thành Viễn - “Phù thủy” tre bông



Qua bàn tay của ông Viễn, cây tre bông đã được tạo thành những tác phẩm độc đáo.

Ông bảo mình được trời phú, ban cho “kỹ nghệ” để làm ra những tuyệt tác. Suốt ngày cặm cụi bên những ống tre, ông đã dành gần trọn cuộc đời để giữ “hồn Việt” qua từng sản phẩm…

Nặng nợ với cây tre…

Đập vào mắt tôi là căn phòng nhỏ với đủ thứ bề bộn, những ống tre nằm lăn lóc, bụi mạt cưa bám đầy mọi phía. Lau vội chiếc ghế mời khách ngồi, ông trần tình: “Chú thông cảm, làm như mấy cây tre đã ăn sâu vào máu thịt rồi, giờ muốn nghỉ ngơi cũng không được”. Trước mặt tôi là người đàn ông đã 65 tuổi, nhưng trông còn rất minh mẫn, gương mặt lúc nào cũng nở nụ cười tươi, giống như tình yêu ông dành cho cái nghề đang đeo đuổi vậy. Ông tên Võ Thành Viễn (SN 1948, ngụ phường Bình Khánh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang). Sau khi học xong Đệ ngũ, ông bắt đầu chuyển sang làm hướng đạo sinh. Ngoài những lần tổ chức cắm trại, làm từ thiện..., nhóm hướng đạo của ông còn có những buổi dạy kỹ năng sống cho các em học sinh nhỏ. Ngày đó, bằng những cây tre ông và bạn bè đã làm ra những sản phẩm mỹ nghệ như một cách để hướng dẫn các em nhỏ hòa nhập, yêu mến thiên nhiên.


Kỳ lạ thay, dù chưa học qua trường lớp ngày nào, nhưng các sản phẩm do ông Viễn làm ra lại vô cùng tinh xảo, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Từ đó, ông gắn bó với cây tre lúc nào không biết. Suốt ngày, người ta thấy ông mày mò làm những đồ dùng và đồ trang trí từ tre, có lúc quên cả ăn uống. Đặc biệt, những sản phẩm do ông làm ra đều xuất phát từ lòng đam mê, không vốn liếng, không người chỉ dạy và cũng không có nơi tiêu thụ. Vào năm 1971 với tác phẩm mô hình chùa Một Cột bằng tăm xỉa răng từ chất liệu tre, ông Viễn đã đạt giải vinh dự trong một cuộc thi lớn. Ông cũng là người đầu tiên ở Việt Nam đưa ra ý tưởng dùng tăm xỉa răng để tạo thành các sản phẩm mỹ nghệ. “Ngày đầu tiên đến với công việc làm đồ mỹ nghệ bằng tre, tôi có cảm giác sẽ gắn bó suốt cuộc đời với nó. Mình được trời thương, nên mới đạt được thành quả như vậy” - ông Viễn chia sẻ. 

Ông Viễn bên mô hình chiếc thuyền câu được chế tạo từ tre bông.

Rồi niềm đam mê tiếp tục thôi thúc ông đi tìm những nguồn cảm hứng mới cho sản phẩm. Vào khoảng những năm đầu sau giải phóng, trong một lần đi đến xã Bình Phước Xuân ở Cù lao Giêng (tỉnh An Giang), ông Viễn tình cờ gặp một loại tre rất kỳ lạ, thân tre có nhiều hoa văn đẹp nên ông xin mấy cây đem về nghiên cứu. “Hỏi ra mới biết đây là cây tre bông, được trồng ở nhà ông Mười Qui và một số gia đình ở cù lao Giêng. Loại tre này có xuất xứ từ triều đình Huế, khi những người đầu tiên từ Huế vào cù lao Giêng lập nghiệp đã đem theo cây tre trồng trên xứ cù lao. Trước đây họ trồng như hoa kiểng, sau đó những người lớn tuổi mất đi cây tre không được ai chăm sóc nên đem để phía sau nhà. Dần dần cây tre bám rễ vào đất và phát triển tươi tốt cho đến ngày nay” - ông Viễn nhớ lại. Từ hôm đó, ông Viễn bỏ vợ ở nhà một mình, chuyển đến sống với người quen ở cù lao Giêng ngót 3 năm trời chỉ để... nghiên cứu tre bông. Ông vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, học hỏi, từ những tác phẩm đơn giản, ông dần chuyển sang làm những tác phẩm phức tạp hơn, đẹp hơn và bắt đầu đưa tác phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh...

Cây tre bông rất đặc biệt, khi còn tươi cũng giống như các loại tre khác. Nhưng khi đem phơi khô thì trên thân tre xuất hiện nhiều hoa văn rất đẹp, những hoa văn này nổi lên càng rõ và có nhiều màu sắc khác nhau khi được đánh bóng và xử lý với phèn chua và phèn xanh. Bản thân tre bông khi phơi khô đã rất đẹp, qua bàn bay chế tác của ông Viễn, các sản phẩm thêm độc đáo và mang tính thẩm mỹ cao. Tính đến nay, ông đã cho ra đời khoảng 200 mẫu vật làm từ tre bông như: Mô hình Hoàng thành Huế, chùa Một Cột, tách trà, đèn ngủ, nhà rông, thuyền nan, xe bò, xe lôi, bình đựng viết...

Giữ “hồn Việt” qua từng sản phẩm…

Ông Viễn tâm sự: “Cây tre rất gần gũi với cuộc sống của người dân Việt Nam. Cây tre làm nên chiếc nôi, chiếc võng cho tôi ngủ, làm nên đôi đũa ăn cơm, làm nên chiếc đòn gánh cho mẹ gánh hàng đi chợ, và cây tre cũng làm nên ngôi nhà che mưa che nắng... Ngày xưa, Thánh Gióng đuổi giặc Ân cũng bằng cây tre, đến thời chống Pháp, chống Mỹ, đồng bào ta cũng cầm tre ra trận... Tự ngàn xưa, cây tre đã gắn bó với con người Việt Nam, tôi chọn cây tre với mong ước sẽ gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc”.

Mô hình Hoàng thành Huế được ông Viễn chế tạo bằng tre bông.

Đa phần sản phẩm mỹ nghệ do ông Viễn làm ra đều là những vật dụng thường thấy trong gia đình người Việt ngày xưa. Đó là: Bộ kỷ trà, khay hộp đựng rượu, cau trầu trong ngày cưới hỏi; hộp đựng đồ nữ trang; hộp đựng đồ gia bảo; mô hình chiếc thuyền câu... Những vật dụng này đang dần mai một, nếu còn cũng đã được cách tân không còn nguyên bản truyền thống như trước. Qua bàn tay ông Viễn, mọi thứ đều được chế tác theo đúng nguyên bản cổ truyền. Chỉ khác ở chỗ, ngày xưa các cụ làm những vật dụng này bằng gỗ quý, có cẩn ốc xà cừ, thì nay ông Viễn làm bằng chất liệu tre bông.

Bằng sự tài hoa, khéo léo, năm 1999, ông Viễn thành lập Cơ sở sản xuất mỹ nghệ tre bông ghép gỗ Viễn Thành. Năm sau, lần đầu tiên sản phẩm của ông được trình làng tại hội chợ triển lãm làng nghề truyền thống Việt Nam - ASEAN. Tại Hội chợ năm đó, bộ sản phẩm Mai - Lan - Cúc - Trúc đã giúp ông Viễn đạt giải và được Hiệp hội Làng nghề truyền thống trao bằng công nhận sản phẩm ghép tre bông Viễn Thành là sản phẩm truyền thống. Sản phẩm còn được hiệp hội đưa sang Pháp và Mỹ trưng bày năm 2006. Cũng trong năm này, bộ khay trà, đèn hoa đăng, lọ hoa rồng Việt đã giúp ông đạt giải quốc gia năm 2006 trong cuộc thi sản phẩm thủ công Việt Nam do Bộ NNPTNT tổ chức. Đầu tháng 4.2008, ông được cấp giấy đăng ký độc quyền về sản phẩm của mình. Niềm vui nhân đôi khi vào tháng 12.2008, ông Võ Thành Viễn được phong là Nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Gần đây nhất, với hai bộ sản phẩm: Đồng hồ quả lắc hình chợ cổ Cần Thơ, móc khóa hình chợ cổ Cần Thơ, ông Viễn đã đạt giải nhì và giải khuyến khích tại cuộc bình chọn “Sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch đặc trưng TP.Cần Thơ”.

Càng ngày sản phẩm của ông càng được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Từ đó, ông có thêm nguồn cảm hứng sáng tạo mãnh liệt, để cho ra đời những “đứa con tinh thần” độc đáo: Mô hình nhà sàn chống lũ, nhà Chăm, nhà thờ Bác Tôn, mô hình Quốc Tử Giám... Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã tìm đến ông Viễn để học nghề. Thế nhưng đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo với tính nhẫn nại cao, nên trong số hàng trăm người được ông chỉ dạy, thì con số trụ được với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có lẽ do tình yêu đối với cây tre quá mãnh liệt, nên dù đã sống qua cái tuổi thất lục, nhưng ông Viễn vẫn chưa có được đứa con nào. Hiện vợ chồng ông đang sống cùng đứa cháu gái cũng là “truyền nhân” được ông Viễn tin yêu nhất. “Hồi trai tráng, tôi suốt ngày chỉ mày mò bên mấy cây tre, mà chẳng lo làm lụng gì cả. Cũng may vợ tôi hiểu được niềm đam mê của chồng, nên tần tảo sớm hôm để chu toàn cuộc sống. Giờ bả già yếu rồi, đến lượt tôi lấy cái nghề làm tre bông lo miếng ăn cho gia đình” - ông Viễn bộc bạch.   

Dù vất vả nhưng ông Viễn không hề toan tính thiệt hơn. Ông Viễn tâm sự: “Mình làm các sản phẩm này tốn nhiều công sức lắm, nhưng nếu bán với giá cao, người ta không mua nổi. Vì vậy tôi lấy công làm lời, bán sản phẩm giá vừa túi tiền, vừa để đảm bảo cuộc sống, vừa mang sản phẩm đến tay mọi người. Tôi hy vọng mỗi sản phẩm do mình làm ra sẽ góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống người Việt. Khi thế hệ mai sau nhìn thấy một đồ vật có thể hiểu được phần nào những nét đẹp trong phong tục tập quán và biết được cách sinh hoạt văn hóa của thế hệ cha ông”.

TRẦN LƯU
laodong.com.vn

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét