Làng nghề ven đô giữa mùa hàng Tết: Hiu hắt thị trường đồ “cõi âm”


GiadinhNet - LTS: Chỉ hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi. Như mọi năm, thời điểm này, những làng nghề ven đô Hà Nội đã rậm rịch chuẩn bị vào mùa. Song năm nay, đến những làng làm hàng mã, làng bán lá dong, làng làm mứt Tết… không khí vẫn khá im ắng...

Anh Nguyễn Thế Linh: “Năm nay mới chỉ có dăm ba khách quen đến đặt hàng lẻ tẻ chứ chưa có đơn hàng nào lớn”. Ảnh: H.N

Khác với mọi năm, đến thời điểm này, những làng nghề truyền thống sản xuất vàng mã nổi tiếng như Đỗ Xá, Văn Hội (Thường Tín, Hà Nội) vẫn còn im ắng. Thay vì những chiếc ô tô nườm nượp nối đuôi nhau chở hàng đi các tỉnh như mọi năm thì bây giờ, thi thoảng, chỉ có một vài chiếc xe máy đến lấy hàng rồi vụt đi.

Vắng ngắt người mua

Sáng 18/12, phố chợ thôn Đỗ Xá (xã Vạn Điểm, Thường Tín) vẫn im ắng. Đây là khu vực tập trung nhiều nhà làm vàng mã có tiếng tăm của xã. Vào thời điểm đắt hàng, rất nhiều ô tô rồng rắn đỗ trong ngõ chờ bốc hàng. Tuy nhiên, thời điểm này, theo quan sát của PV Báo GĐ&XH, trong suốt buổi sáng chỉ có một chiếc ô tô tải loại 1,25 tấn đến xếp hàng. Các gia đình làm hàng mã vẫn vắng ngắt. Tại một số xưởng, vài nhân công nhẩn nha dán ngựa, chủ yếu phục vụ cho các lễ hầu đồng, tạ mộ cuối năm thay vì làm đồ Tết như mọi khi.

Vừa phết nốt chỗ hồ vào tấm giấy màu để dán ngựa, anh Nguyễn Thế Linh (số nhà 35, phố chợ Đỗ Xá) thủng thẳng đáp chuyện: “Mọi năm vào tầm này, nhà không còn chỗ nào để ngồi. Tuy nhiên, năm nay, chỉ dăm ba khách hàng quen đến đặt hàng lẻ tẻ chứ chưa có đơn hàng nào lớn. Khách mua, chủ yếu chỉ tập trung vào tiền vàng và các chú ngựa loại nhỏ phục vụ cho việc tạ mộ vào dịp cuối năm”.

Linh cho biết, mình sinh ra trong gia đình có 3 đời làm vàng mã. Từ hồi học phổ thông, Linh đã tự học đan khung tre và dán ngựa. Lâu dần, Linh quen tay và trở nên thành thạo. Mỗi con ngựa được Linh đan “xương” nứa chỉ trong tầm 15 phút. Ngựa con khi phủ hoàn thiện giấy màu được bán với giá 35.000 đồng/con. Còn ngựa lớn phải đan “xương” lâu hơn. Nếu không phủ giấy, mỗi con ngựa lớn có giá khoảng 50.000đồng. Nếu phủ giấy hoàn thiện, có gia đình bán ngựa lớn từ 150.000 đồng - 300.000 đồng/con tùy cách dán đơn, dán đẹp và cách trang trí. “Thông thường, các gia đình mua ngựa nhỏ để tạ mộ vào cuối năm. Còn ngựa lớn là các đền, phủ mua về làm lễ. Năm nay chán lắm, đến thời điểm này chỉ bán lẻ tẻ ít con ngựa nhỏ thôi. Chủ yếu là do khách quen đặt chứ chưa có đơn hàng nào như mọi năm”, Linh buồn rầu nói.

Hàng ế người bán

“Tôi hỏi suốt đấy nhưng mấy đại lý vàng mã lớn ở đây, ai cũng bảo năm nay bán hàng chán lắm. Mọi năm tầm này là ô tô tấp nập ra vào nhập hàng. Thế nhưng đến giờ này mà mỗi ngày chỉ có vài ba chuyến xe máy đến lấy hàng thưa thớt”. Đấy là tâm sự của bà Nguyễn Thị Mận, Trưởng thôn Văn Hội (xã Văn Bình, Thường Tín) về tình hình tiêu thụ vàng mã cuối năm. Văn Hội cũng là làng nổi tiếng chuyên “lo Tết cho người cõi âm”. Theo lời của Nguyễn Thế Linh, nhiều gia đình ở Đỗ Xá còn phải đến Văn Hội để nhập hàng. Đây là nơi các đền to phủ lớn từ tận Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… đến đặt lễ. Không chỉ in tiền vàng, làng Văn Hội nổi tiếng vì sản xuất mã, tượng “khổng lồ” cho các phủ, đền. Tuy nhiên, thời điểm này khi chúng tôi có mặt, nhiều đại lý lớn vẫn đóng cửa im ỉm. Thỉnh thoảng, vài chiếc xe máy chở hàng chạy vụt qua mặt. Trước cửa nhiều xưởng sản xuất, hàng đống mã vừa đan “xương” đang để chỏng chơ.

Bà Mận cho biết, cả thôn có khoảng 75 gia đình làm nghề vàng mã lớn. Nếu kể cả các hộ gia đình nhỏ, có hơn 1.000 hộ làm vàng mã. Trong số đó, khoảng 800 hộ chuyên gói vàng và 10 nhà làm hương. Cả thôn có 10 hộ gia đình đầu tư máy in tiền, 13 máy cắt, có cả máy vót nan nên không còn cảnh trắng đêm làm vàng mã phục vụ Tết như trước đây.

“Những năm trước, cứ tầm tháng 8, tháng 9, người dân ở đây đã phải trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Hiện nay, công đoạn nào cũng có máy móc hỗ trợ nên không phải tích hàng cả nửa năm trời nữa. Thế nhưng, lý do chính vẫn là hàng bán chậm quá nên chả ai tích trữ. Mấy năm trước, vào vụ áp Tết như giờ, mỗi đại lý bán khoảng vài chục đàn mã to, tương đương vài chục chuyến ô tô, với cả mấy vạn tiền. Những ngày cận Tết, có nhà thu đến 7 triệu đồng tiền hàng/ngày. Năm nay, thấy các hộ kinh doanh kêu ca lắm. Do kinh tế khó khăn nên phần đa chỉ bán được vàng. Khách hàng chủ yếu mua quần áo và ngựa nhỏ để tạ mộ vào cuối năm chứ mã lớn bán được rất ít”, bà Mận nói.
____________________________________
Vịt uống nước ô nhiễm đẻ trứng màu hồng?
“Máy móc tiết kiệm nhân công nhiều, đỡ bụi bặm nhưng nay ở thôn có hiện tượng một số nhà đóng cửa in giấy tiền, đinh vàng khiến bồi phẩm giấy vàng thải ra rất lớn, đầy nước đỏ, nước xanh. Nước này theo mương làng, thải ra ruộng lúa. Người dân dùng cả nước mương này tưới rau. Thậm chí vịt uống nước bồi phẩm vào, đẻ trứng ra còn có màu hồng hồng(?)”- bà Nguyễn Thị Mận, Trưởng thôn Văn Hội cho biết. Để kiểm chứng, PV đã đến mương nước ở cuối làng và tận mắt chứng kiến nhiều đống đất được nạo vét từ cống lên có màu đỏ quạch, hoặc tím thẫm đang ngổn ngang bên cạnh.
________________________________

Hạnh Nguyên- Hà Phương
Theo GiadinhNet

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét