Làng nghề tất bật vào Tết


(THO) - Đến các làng nghề trong tỉnh vào những tháng cuối năm, chúng tôi thấy các hộ sản xuất, kinh doanh đang tất bật sản xuất cho những đơn hàng được đặt trước, hộ nào cũng muốn tranh thủ thời điểm này để tăng thêm thu nhập.

Công nhân Công ty TNHH Quốc Đại (xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa) hoàn thiện sản phẩm chao đèn lồng.

Chúng tôi đến phố Bà Triệu, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa gặp bà Đỗ Ngọc Châu  gần 80 tuổi đang giúp con cháu phơi hương, bà cho biết: Vào dịp cuối năm, đơn hàng đặt nhiều nên cả gia đình đều tích cực làm việc, những lao động khỏe mạnh thì nhào bột, se hương, còn người già và trẻ nhỏ thì tranh thủ làm những công việc nhẹ nhàng. Anh Nguyễn Minh Đức thấy mẹ trò chuyện với chúng tôi cũng cho biết thêm: Nghề làm hương không nặng nhọc nhưng đòi hỏi người làm phải chịu khó, ở đây các cụ đã gắn bó cả đời với nghề, nên ai cũng tâm huyết. Từ đầu tháng 11 đến nay, gia đình anh đã nhận được 15 đơn hàng, với tổng số lượng lên tới mười lăm vạn hương nên cả gia đình từ già đến trẻ ai cũng có việc.

Ở làng Quảng Xá, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, các hộ dân làm bánh đa nem cũng đang tất bật, hối hả sản xuất cho những đơn hàng vào Tết. Theo  tìm hiểu của chúng tôi, bánh đa nem nơi đây được sản xuất hoàn toàn bằng thủ công, nên vừa dẻo, vừa dai, khi rán bánh rất giòn, vì vậy thương hiệu bánh đa nem Cầu Bố luôn được thị trường tin dùng. Vào những tháng cuối năm, đơn hàng nhiều nên gia đình nào cũng tăng công suất lên gấp 2 đến 3 lần so với ngày thường mà không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Hiện tại, mỗi gia đình  sản xuất khoảng 1 vạn bánh đa nem/ngày.

Tại làng Cốc Hạ, xã Đông Hương, TP Thanh Hóa, thời điểm này tuy chưa phải là thời gian cao điểm của nghề làm nem, giò, chả, nhưng các hộ dân cũng khá tất bật cho việc tìm nguồn nguyên liệu ngon, sạch, bảo đảm chất lượng cho sản phẩm của gia đình vào dịp cuối năm. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Bá Đốc, phố Ba Tân, cho biết: Nhiều ngày nay, anh phải trực tiếp đến các huyện miền núi đặt lợn của các hộ gia đình để lấy nguyên liệu bảo đảm chất lượng cho việc sản xuất vào Tết; đồng thời, đặt tiền trước cho những hộ cung ứng lá chuối gói nem, giò nhằm tránh việc cháy nguyên liệu vào thời điểm cuối năm như những năm trước. Anh cho biết thêm: Hiện tại, cơ sở của gia đình sản xuất bình quân từ 3.000 đến 3.500 nem chua/ngày, nhưng vào thời điểm cuối năm và đầu năm số lượng sản xuất thường tăng gấp 3 - 4 lần, nên mọi thứ cần được chuẩn bị sẵn sàng.

Đến xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa), mặc dù thị trường có vẻ trầm lắng, song các hộ làm nghề vẫn đang tích cực sản xuất, bởi theo như một số ông chủ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở đây cho biết: Sản phẩm nghề mộc, nhất là mộc dân dụng thường không có đơn hàng đặt trước mà đa phần các cơ sở đều đoán được tâm lý của người tiêu dùng mà đi trước, đón đầu, bởi thông thường vào thời điểm cuối năm, nhiều lao động đi làm ăn xa về, tích cóp được một số tiền nên muốn mua sắm thêm vật dụng trong gia đình để đón Tết và trang trí trong nhà. Vì vậy, hiện tại các cơ sở đang tăng cường sản xuất để có đủ các mặt hàng cũng như chủng loại phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết.

Đến các làng nghề, được tận mắt chứng kiến các hộ làm nghề đang đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi  thấy dường như xuân đang về. Hy vọng năm nay xuân về không những đem theo niềm vui của sự đoàn viên mà còn đem theo sự phồn thịnh, sung túc cho các làng nghề và mỗi hộ dân làm nghề.

Bài: Hương Thơm, ảnh: Phan Nga
Báo Thanh Hóa

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét