Hồi sinh một làng nghề


Tủ thờ Gò Công được nhiều khách hàng tìm hiểu, đặt hàng.

Trải qua bao thăng trầm, có lúc tưởng chừng bị xóa sổ vĩnh viễn, nhưng bằng sự kỳ công, sáng tạo đầy nghệ thuật và sự thủy chung của những người thợ, làng nghề Tủ thờ Gò Công từng bước vững vàng vượt khó; sản phẩm tiêu thụ không chỉ trong nước, mà còn vươn ra thị trường nước ngoài.

Tác phẩm nghệ thuật

Làng Tủ thờ Gò Công nằm nép mình bên quốc lộ 50, thuộc hai ấp Ông Non và Sơn Quy, xã Tân Trung, thị xã Gò Công (Tiền Giang), với diện tích hơn 600 ha. Theo các bậc trưởng thượng, nghề đóng tủ thờ của xóm Ông Non không phải là nghề "bản địa", mà do những dân binh từ miền trung mang vào lúc đi theo Bình tây Ðại nguyên soái Trương Ðịnh đến lập căn cứ chống giặc Pháp trên dải đất Gò Công còn hoang sơ, ngập mặn.

Nghệ nhân Ngô Tấn Ðức (Ba Ðức), gần 80 tuổi, hơn 60 năm trong nghề cho biết: Ông nội tôi là một trong những người đầu tiên được học nghề và đóng thành công chiếc tủ thờ hoàn chỉnh. Hồi đó, sau khi học thành nghề, để chắc ăn, ông nội tôi phải cưa bập dừa nước đóng đi, đóng lại nhiều lần thật thạo rồi mới dám cưa bộ ván gõ, tài sản quý nhất trong gia đình, để đóng một chiếc tủ thờ thực thụ". Ðóng thành công chiếc tủ thờ đầu tiên với vẻn vẹn ba trụ đứng, ông tận dụng số gỗ còn lại trong nhà, và các loại gỗ tạp ở địa phương tiếp tục thực tập và chính thức hành nghề đóng tủ thờ Gò Công. Sản phẩm đầu tay, nay đã gần 200 năm tuổi, đang được lưu giữ, thờ cúng tại thánh thất Cao Ðài thuộc ấp Ông Non.

Từ những chiếc tủ thờ đầu tiên, nhiều người thấy thích, đến đặt. Làng tủ thờ Ông Non ra đời, nghề đóng tủ thờ được truyền hết đời này đến đời nọ và truyền từ trong nhà ra hàng xóm, gây dựng nên danh tiếng tủ thờ Gò Công ngày nay.

Năm 1930, thợ đóng tủ thờ ở Tân Trung đã nổi danh với kiểu dáng Gò Công, mặt trước tủ được chạm hai chuỗi hạt gỗ tròn tiếp nối nhau, gợi hình dáng hai cánh cửa tượng trưng. Ðến năm 1936, tủ thờ được cách tân, mặt trước cẩn đá mài do "thợ Sâm" ở xóm Ông Non thực hiện, tủ được trao tặng bằng khen tại Hội chợ Sài Gòn. Sau Hội chợ, ông Sâm mở cửa hàng lấy tên "Sâm - Sơn Quy" chuyên bán tủ thờ Gò Công ở Sài Gòn nhằm mở rộng thị trường, giới thiệu giá trị chiếc tủ thờ Gò Công.

Lâu nay, người tiêu dùng không chỉ yêu thích tủ thờ Gò Công ở hình thức trang nhã, tôn nghiêm, bền đẹp theo thời gian, mà họ còn xem chiếc tủ như một tác phẩm nghệ thuật. Những chiếc tủ thờ được đóng bằng các loại gỗ tốt như gõ, mun, cẩm lai,... Họa tiết, hoa văn, hình ảnh chạm, cẩn trên mặt tủ, thân tủ đều làm bằng ốc trai, xà cừ, đánh véc-ni bóng lộn. Thân tủ lấp lánh hình ảnh những linh vật, các tích xưa, phong cảnh non sông, tứ quý... Chiếc tủ thờ Gò Công bao gồm 16 chi tiết và phải mất năm kíp thợ riêng biệt (gồm cưa, mộc, cẩn, tiện, sơn) mới ráp thành. Hồi trước để đóng một chiếc tủ hoàn chỉnh một thợ mộc phải làm trong ba tháng. Bây giờ nhờ máy móc và sản xuất theo dây chuyền, chỉ mười ngày là xong. Ðiều đặc biệt nhất của chiếc tủ thờ Gò Công là các mối nối đều sử dụng mộng, chốt để ráp lại vừa khít nhằm mục đích bảo vệ gỗ quý, không hề có cây đinh sắt thép nào đóng vào thân tủ. Giá trị của tủ thờ nằm ở các chi tiết như trụ (là những thanh trang trí thẳng đứng được làm hoàn toàn bằng gỗ quý, chạm cẩn tinh vi), ốc, xà cừ và chất liệu gỗ. Tủ càng nhiều trụ càng đắt tiền bởi phải sử dụng nhiều gỗ quý và xà cừ. Ðể bảo vệ thương hiệu, uy tín, dù sản xuất theo dây chuyền, máy móc hiện đại, thợ đóng tủ vẫn hết sức tỉ mẩn, khắt khe trong từng công đoạn. Những người thợ tiện, thợ cẩn ốc-xà cừ đều có tay nghề cao và hầu hết là người miền trung, miền bắc. Họ kỳ công ngồi hàng giờ để chỉnh sửa từng chi tiết thật nhỏ, từng đường đục, cưa lộng, cẩn, mài... cho đến khi thật sự ưng ý mới thôi.

Phát triển phồn thịnh

Những ai từng quan tâm, mặn mà với làng tủ thờ Gò Công mới thấu hiểu trăn trở của những nghệ nhân, những người thợ luôn thủy chung, quyết gắn bó với nghề. Bởi, suốt nhiều thập niên của thế kỷ trước, làng tủ thờ chìm trong cảnh tiêu điều xơ xác, có những lúc tưởng chừng bị xóa sổ. Lúc đó, hầu hết thợ lành nghề đều bỏ làng đi làm thuê hoặc chuyển mưu sinh bằng nghề khác, chỉ còn những nghệ nhân cao niên vì không thể bỏ nghề của cha ông nên quyết chí bám trụ giữ nghề.

Cột mốc đáng ghi nhớ, là năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, cũng chính là năm làng nghề thật sự có điều kiện phát triển trở lại. Phó Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) Tiền Giang Võ Văn Lập cho biết: Làng tủ thờ Gò Công được khôi phục và từng bước phát triển thịnh vượng là nhờ sự quan tâm của các cấp, nhất là sự hợp tác chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương cùng những nghệ nhân, những người thợ tâm huyết gây dựng. Ðầu năm 2000, Công đoàn tủ thờ Gò Công được thành lập, tập hợp khoảng 50 cơ sở tham gia. Sau đó không lâu, Nghiệp đoàn tủ thờ Gò Công ra đời, tập hợp tất cả các cơ sở sản xuất, gia công tủ thờ trong vùng gồm 72 hộ; đến năm 2008, Hợp tác xã sản xuất tủ thờ Gò Công được thành lập. Hiện nay làng nghề tủ thờ Gò Công có sự tham gia của ba tổ chức kinh tế - xã hội trên với vai trò làm đầu mối tổ chức sản xuất, đại diện trong mua bán, ký kết các hợp đồng cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Ðây là nền tảng giúp làng tủ thờ Gò Công trụ lại, phát triển mở rộng và đứng vững trên thương trường. Chủ nhiệm HTX tủ thờ Gò Công Phạm Văn Nam cho biết: Hiện làng tủ có gần 70 cơ sở tham gia sản xuất, thu hút hơn hai nghìn lao động làm nghề; trong đó, 50% là lao động chuyên, có thu nhập bình quân từ ba triệu đến sáu triệu đồng/người/tháng, đạt mức cao nhất trong các làng nghề của tỉnh. Thị trường tiêu thụ sản phẩm tủ thờ không chỉ dừng lại trong nước mà còn xuất khẩu sang Mỹ, Ca-na-đa, Pháp, Anh, Hàn Quốc và nhiều nhất là sang Ô-xtrây-li-a. Hiện một chiếc tủ thờ Gò Công có giá thấp nhất 10 triệu đồng, bán rất chạy vì phù hợp túi tiền của nhiều người. Tủ thờ bằng gỗ mun giá từ 100 triệu đồng trở lên. Tuy giá "ngất ngưởng" nhưng thợ làm không kịp cung ứng cho thị trường... Trung bình, mỗi năm làng nghề tủ thờ Gò Công xuất xưởng hơn 10 nghìn sản phẩm các loại.

Dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, làng tủ thờ Gò Công xuất xưởng một chiếc tủ theo đơn đặt hàng có giá "đắt nhất" Việt Nam - 750 triệu đồng cho khách hàng ở TP Hồ Chí Minh. Ðây là chiếc tủ được các nghệ nhân đánh giá là một "tác phẩm nghệ thuật mới". Nghệ nhân Ba Ðức, chủ cơ sở Ba Ðức, người trực tiếp ký hợp đồng với khách hàng nói: Năm 2012 tui đóng chiếc tủ đắt tiền nhất cho khách hàng ở TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) trị giá 550 triệu đồng, mà chiếc tủ đó chỉ có cẩn ốc xà cừ ba mặt với 21 cây trụ, còn chiếc tủ trị giá 750 triệu đồng này bản thân tôi trong hơn 60 năm làm nghề cũng chưa hề gặp: bốn mặt tủ đều chạm trổ thật đẹp, cẩn ốc xà cừ theo các tích xưa. Với 30 trụ ở mặt trước, mặt sau, chiếc tủ dù đặt vị trí nào trong nhà cũng đẹp...

Chạm, cẩn hoa văn mặt tủ thờ.

Tủ thờ Gò Công trang nhã, bền đẹp được bài trí tại những nơi trang trọng, tôn nghiêm như Ðền thờ các Vua Hùng ở tỉnh Phú Thọ, Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương của Người ở làng Sen (xã Kim Liên, Nam Ðàn, Nghệ An),... Ðây được coi như những "bảo chứng" để sản phẩm của làng nghề tiếp tục vươn xa hơn nữa.

TẤN VŨ

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét