Du lịch làng nghề truyền thống hấp dẫn du khách

(TTMT) - An Giang có nhiều làng nghề truyền thống, các cơ sở thủ công mỹ nghệ, đặc sản, như: Dệt thổ cẩm, tranh thêu tay, đường thốt nốt và các loại khô, mắm... khá nổi tiếng. Đây là tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong việc gắn kết làng nghề với phát triển du lịch, tạo sự hấp dẫn du khách, nhất là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và cách sáng tạo sản phẩm thủ công đặc trưng của địa phương.

Làng nghề làm lưỡi câu Mỹ Hòa

Có dịp đến An Giang, dừng chân ở TP. Long Xuyên, du khách sẽ được đưa đi tham quan làng nghề se nhang ở Bình Đức (lưu truyền trên 60 năm), làm bánh tráng Mỹ Khánh (đã có 55 năm) và làng nghề làm lưỡi câu Mỹ Hòa (hơn 65 năm). Bên cạnh đó, du khách có thể đến tham quan tại Di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, vườn sinh thái cù lao Mỹ Hòa Hưng.

Rời Long Xuyên, du khách đến huyện Chợ Mới tham quan làng nghề chằm nón Hòa Bình, Hội An, đan đát Long Giang, mộc Mỹ Luông, đặc biệt là làng nghề mộc chợ Thủ đã có từ giữa thế kỷ XVIII. Các sản phẩm làng nghề làm ra rất đa dạng, như: Tủ, bàn, ghế, khánh thờ... được chạm trổ rất tinh vi. Ngoài ra, du khách có thể du lịch sinh thái ở 3 xã cù lao Tấn Mỹ, Bình Phước Xuân và Mỹ Hiệp gắn với tham quan nhà thờ cù lao Giêng, chùa chiền.

Nếu có thời gian thì ngược lên vùng Thất Sơn, du khách không chỉ viếng miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, tham quan làng bè (TP. Châu Đốc) mà còn có dịp thăm làng dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong, tơ lụa Tân Châu nằm bên bờ sông Hậu. An Giang có trên 10 làng Chăm trải dài từ biên giới Khánh Bình, Khánh An (An Phú), TX. Tân Châu, xuống tận huyện Châu Phú, Châu Thành.

Bước vào làng Chăm, du khách thỏa thích ngắm những ngôi nhà có kiểu kiến trúc, hoa văn trang trí mang nét đặc trưng của dân tộc thiểu số này. Mỗi làng Chăm luôn có một thánh đường Hồi giáo bề thế, uy nghi. Thấp thoáng bên song cửa sổ, những cô gái Chăm ngồi quay tơ hay dệt thổ cẩm. Phụ nữ Chăm luôn mặc trang phục truyền thống, vẫn choàng trên đầu chiếc khăn sặc sỡ nên càng làm tôn thêm nét duyên dáng, huyền bí.

Làng nghề se nhang Bình Đức

Tuyến du lịch tiếp theo cũng khá hấp dẫn là thăm làng nghề dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo, đường thốt nốt Tịnh Biên và Tri Tôn gắn với Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên, lâm viên núi Cấm, đồi Tức Dụp và thăm làng nghề tranh lá thốt nốt gắn với khu du lịch Thoại Sơn. Vài năm gần đây, An Giang xuất hiện nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ đặc trưng, được khách du lịch ưa chuộng và xuất khẩu mạnh.

Các sản phẩm được làm từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương như mỹ nghệ tre bông, gỗ ghép, tranh lá thốt nốt, chạm khắc gỗ... Trong đó, làng nghề dệt thổ cẩm Khmer xã Văn Giáo (Tịnh Biên) mang đậm nét độc đáo văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc được du khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng...

Bên cạnh những lợi ích về kinh tế- xã hội, hình thức du lịch gắn với làng nghề truyền thống đã góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương, ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

An Giang không chỉ hấp dẫn du khách bởi lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, mà còn có nhiều di tích lịch sử và các lễ hội văn hóa dân tộc đặc sắc, như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Hội đua bò, Tết Ramadan của người Chăm… Đến với An Giang, du khách sẽ được trải nghiệm tour du lịch cộng đồng tham quan các làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ và cơ sở sản xuất hàng đặc sản. An Giang hiện có 35 làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở 49 xã, phường. Trong đó, có 26 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, giải quyết việc làm hơn 10.900 lao động. 

Bài, ảnh: THU THẢO

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét