Vực dậy các làng nghề - Bài 1: Làng nghề trước nguy cơ bị mai một


Hầu hết các Làng nghề truyền thống của tỉnh được hình thành từ rất lâu. Qua bao thăng trầm, một số làng nghề vẫn còn tồn tại, nhưng nguy cơ mai một là rất cao. Nhận diện các nguyên nhân khiến các làng nghề lâm vào cảnh khó khăn, các ngành chức năng của tỉnh đang cố gắng tìm cách tháo gỡ để “vực dậy” các làng nghề.

Trong những năm qua, các làng nghề truyền thống chịu tác động không nhỏ của quá trình đô thị hóa, đầu ra sản phẩm bị cạnh tranh và ngày càng thu hẹp. Ngoài ra, nguồn vốn cũng đã tác động không nhỏ đến sự tồn tại và phát triển của các làng nghề.

Một công đoạn sản xuất bánh hủ tiếu Mỹ Tho. Ảnh: Duy Sơn

Trăm năm lưu giữ làng nghề

Nhiều làng nghề ở tỉnh có lịch sử lên đến trăm năm. Đến nay, những làng nghề này vẫn tồn tại, thậm chí có một số làng nghề phát triển thịnh vượng. Trải qua thời gian, bằng bàn tay khéo léo, tài hoa và khối óc sáng tạo của mình, các “nghệ nhân” đã làm ra những sản phẩm tinh xảo, mang đậm nét đời sống, văn hóa địa phương mà không nơi nào có được như: nghề dệt chiếu Long Định, hủ tiếu Mỹ Tho, tủ thờ Gò Công.

Bà Trần Thị Bạch Tuyết, một người có 50 năm làm nghề dệt chiếu ở Khu phố Lương Minh Chánh, xã Long Định, huyện Châu Thành cho biết: “Nghề dệt chiếu ở xã Long Định có trên 50 năm, do các cư dân vùng dệt chiếu nổi tiếng ở tỉnh Ninh Bình đem vào. Vì thế, kỹ thuật làm chiếu ở đây cũng có nhiều nét khác biệt so với kỹ thuật làm chiếu thường thấy trong miền Nam.

Chiếu Long Định bao giờ cũng dày dặn hơn, màu sắc, hoa văn cũng tươi tắn và đẹp hơn”. Hiện nay, xã Long Định có khoảng 100 hộ tham gia làm chiếu, với 400 lao động, trong đó có 29 hộ chuyên dệt chiếu thủ công (32 dàn dệt), 22 hộ đầu tư mua 66 máy để dệt chiếu, 9 hộ đánh đay chuyên nghiệp, 2 hộ in chiếu, 37 hộ làm gia công. Toàn làng nghề dệt chiếu có 281 hộ lao động chuyên nghiệp và 100 lao động làm gia công.

Theo ông Trần Văn Thuê, Phó Chủ tịch UBND xã Long Định, huyện Châu Thành, khi công nhận làng nghề dệt chiếu Long Định vào năm 2003 thì làng nghề có 390 hộ, với 1.190 lao động chuyên dệt chiếu và 1.000 người làm gia công. Tuy nhiên, làng chiếu bây giờ giảm đi rất nhiều.

Làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho có trên 100 năm tuổi. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay làng nghề vẫn tồn tại. Tuy nhiên, nhiều yếu tố chủ quan, khách quan đã tác động không nhỏ đến sự phát triển làng nghề. Ông Nguyễn Văn Thanh, ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho cho biết: “Hiện nay các cơ sở của chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động làm thuê, giá lúa gạo lên xuống bất thường, đầu ra cạnh tranh giữa các cơ sở với nhau.

Ngoài ra, làng nghề hủ tiếu hiện nay cũng rất cần vốn để đầu tư máy móc, cũng như mở rộng diện tích để có sân phơi ổn định”. Ông Trương Văn Thuận, Tổ trưởng tổ hợp tác (THT) sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho cho rằng: “Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho vẫn giữ vững và người dân vẫn sống được với nghề.

Có lúc số tổ viên của THT bỏ nghề do sản xuất hủ tiếu bị thua lỗ, chỉ còn 7 tổ viên. Nhưng hiện số tổ viên đã trở lại với nghề làm hủ tiếu bằng như trước là 10 tổ viên. “Với tình hình mai một ở các làng nghề như hiện nay thì làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho vẫn giữ vững được số người sống với nghề truyền thống làm hủ tiếu và làm nên món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á là một tín hiệu rất đáng phấn khởi” - ông Thuận tự hào cho biết.

Theo ông Trương Văn Thuận, ông đang lên kế hoạch cùng với các thành viên trong THT nâng cấp cơ sở vật chất, mua thêm máy móc, mở rộng sản xuất, tham dự các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm do tỉnh tổ chức nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, nghiên cứu cách bảo quản để sợi hủ tiếu được sử dụng lâu hơn; đồng thời THT đang có kế hoạch giới thiệu sản phẩm, nghiên cứu thị trường nước ngoài để tìm hướng xuất khẩu hủ tiếu Mỹ Tho ra thế giới.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), tỉnh Tiền Giang hiện có 14 làng nghề, trong đó có 5 làng nghề truyền thống, các làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản xuất như: hàng thủ công mỹ nghệ (bàng buông, đan lát, dệt chiếu, bó chổi); thực phẩm (bún, hủ tiếu, bánh phồng, bánh tráng), sản phẩm chế biến (chế biến thủy sản), đồ mỹ nghệ (tủ thờ, chạm khắc gỗ).

Làng nghề tập trung ở 8 huyện, thị, thành gồm: Châu Thành (4 làng nghề); Chợ Gạo (3 làng nghề); Cái Bè (2 làng nghề); TP. Mỹ Tho, Cai Lậy, Gò Công Tây, Gò Công Đông và TX. Gò Công, mỗi huyện, thị, thành có 1 làng nghề.

Nhận diện những khó khăn

Qua những thăng trầm khiến nhiều làng nghề hoạt động cầm chừng và đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Thêm vào đó, sản phẩm của những làng nghề chưa thể vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. Bà Nguyễn Thị Mai, ấp Mới, xã Long Định, huyện Châu Thành tâm sự: “Khoảng 10 năm trước, chúng tôi sản xuất chiếu bao nhiêu thì thương lái mua bấy nhiêu, còn bây giờ thì ế ẩm vì chiếu dệt bằng máy, chiếu nhựa, chiếu trúc có mẫu mã đẹp, giá lại rẻ nên người mua thích hơn.

Làng nghề dệt chiếu Long Định ngày càng khan hiếm người trẻ tham gia bảo tồn.

Vì vậy, nghề dệt chiếu truyền thống ở đây cũng chẳng còn bao nhiêu”. Còn bà Trần Bị Bê có trên 50 năm làm nón lá bàng buông Thân Cửu Nghĩa (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) cho rằng: “Hiện nay, làng nghề đang bị mai một, bởi sản phẩm tiêu thụ khó khăn, thu nhập của người lao động ngày một thấp… Do cuộc sống ngày một chật vật, người dân đành bỏ nghề để đi làm công nhân tại Khu Công nghiệp Tân Hương và Khu công nghiệp Long Giang”.

Việc khôi phục và phát triển làng nghề trong những năm qua tuy có bước phát triển nhưng chưa mạnh, chưa đồng bộ và trong quá trình phát triển còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, sản xuất ở các làng nghề không ổn định là do thiếu nguyên liệu, nguồn nguyên liệu cung cấp cho các hộ từ chủ đầu mối, doanh nghiệp thu mua sản phẩm nên người dân thường bị động.

Một nguyên nhân khác là do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá bán sản phẩm tăng chậm, không đảm bảo hộ sản xuất có lãi nên nhiều hộ gặp khó khăn trong sản xuất. Sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, phân tán, gây ảnh hưởng đến môi trường (các cơ sở chế biến bánh bún, chế biến thủy sản, gỗ). Ít ứng dụng công nghệ, thiết bị còn lạc hậu.

Nguyên nhân chủ yếu do không  đủ vốn đầu tư cải tiến kỹ thuật, trong khi các hộ làm nghề có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất nhưng còn thiếu điều kiện vay theo quy định của tổ chức tín dụng. Do tình hình suy thoái kinh tế các nước chậm khắc phục, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ các sản phẩm làng nghề trong tỉnh.

Bên cạnh đó, kiểu dáng, chất lượng nhiều sản phẩm còn hạn chế, mẫu mã bao bì thiếu sức hấp dẫn và không đáp ứng thị hiếu thị trường; việc quảng bá, xúc tiến thương mại chưa thực sự phát huy được hiệu quả và chưa được đầu tư đúng mức.

Công tác quản lý Nhà nước về làng nghề còn nhiều bất cập. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các sở, ngành tỉnh trong việc triển khai và thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển làng nghề. Các cấp chính quyền huyện, xã chưa chủ động trong việc định hướng và phát triển làng nghề trên địa bàn.

Như vậy, cách nào để bảo tồn và phát triển làng nghề của tỉnh ta? Nhận thấy làng nghề vừa góp phần phát triển kinh tế của tỉnh mà còn có giá trị văn hóa của địa phương nên các ngành chức năng đã hoạch định phương hướng phát triển để “vực dậy” các làng nghề.

SĨ NGUYÊN
(Báo Ấp Bắc)

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét