Phát huy thế mạnh thiết kế sinh thái trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ


Vài nét về thiết kế sinh thái

Thiết kế sinh thái được đề cập rộng rãi ở Việt Nam nhiều năm qua, đặc biệt được áp dụng trong ngành xây dựng, phát triển dự án đô thị và một số ngành khác như sản xuất bao bì, hàng tiêu dùng… Không chỉ vì Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu mà còn vì xu hướng phát triển hiện đại và nhu cầu tiêu dùng xanh, sạch ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Nhưng quan trọng nhất là sự nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm đối với môi trường cùng với sự kiểm soát và thái độ của người tiêu dùng đối với việc sản xuất và tiêu dùng lành mạnh. “Sự nâng cao nhận thức về sự thân thiện với môi trường, bùng nổ dân số, công nghiệp hóa và sự ô nhiểm môi trường đã dẫn đến việc đặt vấn đề về các giá trị tiêu dùng. Nó đòi hỏi phải tìm kiếm các giải pháp mới thân thiện với môi trường để đưa đến kết quả giảm tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng (i).”

Thiết kế sinh thái (Ecodesign) là một cách tiếp cận thiết kế của một sản phẩm với sự xem xét đặc biệt về các tác động môi trường của sản phẩm trong toàn bộ vòng đời của nó. Thiết kế sinh thái là một sự gia tăng trách nhiệm với và sự hiểu biết về dấu chân sinh thái (ii) của chúng ta trên hành tinh này. Thiết kế môi trường, thiết kế sinh thái, thiết kế sản phẩm bền vững, thiết kế xanh đều có nội hàm tương tự, như là một sự bổ sung xu hướng thời đại vào thiết kế truyền thống. Phần bổ sung đó được nhấn mạnh đến các khía cạnh như: chức năng, an toàn, gọn nhẹ, độ bền, chất lượng và chi phí. Tuy nhiên, tiết kiệm theo nghĩa rộng vẫn là yếu tố quan trọng bậc nhất. Toàn bộ vòng đời sản phẩm cần được xem trong một quan điểm tích hợp, thể hiện từ sự phát triển sản phẩm, thiết kế, khai thác và sử dụng nguyên liệu, sản xuất, tiếp thị, thu mua và quản lý sản xuất. Trong một số bối cảnh kinh doanh người ta thường dùng thuật ngữ “từ cái nôi đến mấm mồ - from cradle to grave” hoặc “từ tử cung đến ngôi mộ - from womb to tomb” (iii) để nói về chu kỳ sống của sản phẩm và thường nhấn mạnh về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xử lý các chất độc hại ngay từ lúc sáng tạo ra cho đến lúc thải bỏ sản phẩm. Muốn vậy, các chủ thể trong chuỗi này phải làm việc cùng nhau về thiết kế sinh thái của một sản phẩm mới hoặc sản phẩm phát triển thêm, nhờ đó họ sẽ có cùng cơ hội tốt nhất để dự đoán những tác động toàn diện của những thay đổi mỗi sản phẩm và tác động môi trường của chúng. Các khía cạnh môi trường bắt buộc phải được phân tích đối với mọi giai đoạn của vòng đời sản phẩm bao gồm tiêu thụ tài nguyên (năng lượng, vật liệu, nước hoặc diện tích đất), phát thải vào không khí, nước và mặt đất có liên quan đến môi trường và sức khỏe con người. Những tác động khác như tiếng ồn và độ rung … cũng được xem xét.

Các chất thải (chất thải nguy hại và chất thải khác theo quy định của pháp luật về môi trường) chỉ là một bước trung gian nhưng lượng phát thải cuối cùng vào môi trường (như khí mê-tan và sự rò rỉ từ các hố chôn lấp) mới quan trọng. Tất cả những thứ như vật liệu và các linh kiện có thể sử dụng trong các giai đoạn của vòng đời sản phẩm phải được liên kết với việc sản xuất ra chúng, kể cả tất cả các khía cạnh môi trường liên quan gián tiếp đến sản xuất. Sau khi đã có được tham số của các khía cạnh tác động môi trường của vòng đời sản phẩm, chúng ta sẽ đánh giá rõ rõng hơn về các tác động môi trường của sản phẩm cũng như mở rộng các tác động môi trường tiềm tàng để cải thiện và thiết kế sản phẩm phù hợp.

Khi phân tích tác động môi trường của sản phẩm, người thiết kế cần chú trọng đến các tiêu chí như nguyện vọng của khách hàng, các yêu cầu của pháp luật và yêu cầu của thị trường (đối thủ cạnh tranh) và dữ liệu liên quan đến sản phẩm và quá trình sản xuất. Do thiết kế sinh thái hiện đang có ảnh hưởng lớn đến thiết kế sản phẩm nói chung, các doanh nghiệp đã và đang tiếp tục xem xét cách tiếp cận sáng suốt hơn về môi trường kể cả trong tư duy và quá trình thiết kế. Ngay như việc khai thác và sử dụng nguyên vật liệu địa phương cũng góp phần vào thiết kế sinh thái vì khai thác vật liệu tại chỗ sẽ rẽ tiền hơn và làm giảm các chi phí môi trường do việc vận chuyển như giảm tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải CO2 phát sinh từ quá trình giao thông vận tải. Vật liệu xây dựng “xanh” như gỗ từ các rừng trồng được quản lý một cách bền vững có thể được sử dụng; vật liệu có thể tái chế và tái sinh thường được sử dụng, nhưng điều quan trọng là giảm hoặc không tạo ra chất thải trong quá trình sản xuất hoặc khi vòng đời của sản phẩm kết thúc. Vật liệu được thu hồi như gỗ tại công trường xây dựng (xà, dầm chống đở trong xây dựng các công trình mới hoặc là đồ nội thất tại các kho phế liệu) có thể cho một cuộc sống thứ hai bằng cách tái sử dụng chúng, hoăc có thể được sử dụng cho các mục đích khác nhau. Việc sử dụng lại các “vật liệu” này cũng có nghĩa tiêu hao tài nguyên và tiêu thụ năng lượng ít hơn và cũng có thể đạt được các yêu cầu về chất lượng và thẩm mỹ.  Hệ thống tái chế nước như bể nước mưa cho các mục đích sử dụng khác nhau và tái sử dụng nước cũng là một cách hữu ích để không lãng phí nước. Sử dụng năng lượng điện sạch bằng các hệ thống khai thác năng lượng sinh thái như năng lượng măt trời, gió…ngày càng được sử dụng rộng rãi.

Thiết kế sinh thái trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ

Thực ra, việc sử dụng vật liệu tái chế trong nghệ thuật đã có từ những năm đầu của thế kỷ 20, khi họa sĩ lập thể Pablo Picasso (1881-1973) và Georges Braque (1882-1963) đã sáng tạo tranh nghệ thuật cắt dán từ báo in, bao bì và các chất liệu có thể tìm thấy khác. Phong trào sáng tác nghệ thuật của những người bên ngoài dòng chính thống (Outside Art) được công nhận như là một hình thức nghệ thuật biểu cảm địch thực. Những sáng tác nghệ thuật này có thể được sử dụng trong nội thất với niềm hãnh diện và được sự ngưỡng mộ. Ở các nước phương Tây hiện đang có nhu cầu rất lớn trong việc trang trí nhà cửa của họ theo phong cách “xanh” và đã lan rộng đến các nước đang phát triển. Có rất nhiều nỗ lực trong việc thiết kế sản phẩm tái chế để tạo ra một cái nhìn tự nhiên. Thiết kế sinh thái đang ngày càng được áp dụng trong nghệ thuật và trang trí và người ta thường nói đến “sự quay về” với thiết kế và sản xuất sản phẩm sinh thái, bền vững. 



Đĩa trái mãn cấu được làm bằng lục bình và túi xách tay làm từ giấy báo, tạp chí. Sản phẩm mới của nghệ nhân Nguyễn Thị Đẹp, DNTN Thảo Minh, Đồng Tháp.  Ảnh: DNTN Thảo Minh



Hàng thủ công mỹ nghệ có thế mạnh, vai trò quan trọng và khả năng tham gia mạnh mẽ vào phong trào thiết kế sinh thái vì nó liên quan đến nghệ thuật và trang trí, đặc biệt là trong ngành trang trí nội thất và vì nó rất phù hợp với mục đích cốt lõi của việc phát triển làng nghề là khai thác và nâng cao giá trị tài nguyên của địa phương, nâng cao hiệu quả của kinh tế nông lâm nghiệp. Gỗ, mây, tre, các loại sợi tự nhiên (sợi chuối, lục bình, lá buông, cỏ bàng, xơ dừa), tơ tằm... là những nguyên liệu sinh thái. Với 1,4 triệu hộ gia đình làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian trong trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tại nông thôn nếu phát huy thế mạnh về nguyên liệu địa phương có thể trở thành lực lượng hùng hậu tham gia vào nỗ lực chung của quốc gia trong hành động đối phó với tình trạng môi trường xuống cấp trên diện rộng. Nếu trong tâm trí người thợ thủ công và người tiêu dùng hàng thủ công hiểu rằng sản phẩn làng nghề là hữu cơ, tái chế, không độc, tự nhiên, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả và sản xuất hàng hóa có đạo đức thì hàng thủ công sẽ là sản phẩm sinh thái hợp thời và tăng thu nhập. Ở Anh, Trung Quốc, Mỹ hàng năm đều tổ chức các Hội chợ thiết kế sinh thái để khuyến khích sản xuất và giúp cho người tiêu dùng tiếp cận và mua một số sản phẩm sinh thái tuyệt vời như quà tặng, phụ kiện nhà, đồ trang sức, đồ chơi, quần áo hữu cơ, giày dép, túi vải cổ điển, đồ gốm, thực phẩm hữu cơ và thức uống...

Đối với người sản xuất, khi thiết kế thường họ có thể đánh giá đánh giá tác động môi trường tuy nhiên không phân tích sâu. Có một vài quy tắc cơ bản có thể được sử dụng trong hầu hết các trường hợp (iiii):

- Không thiết kế sản phẩm, nhưng xem xét chu kỳ cuộc sống: Hãy suy nghĩ về tất cả các nguyên liệu đầu vào và sử dụng năng lượng của một sản phẩm trong toàn bộ vòng đời của nó. Từ “cái nôi đến nấm ngôi mộ”, hoặc thậm chí tốt hơn là xem xét từ “cái nôi để cái nôi!”, tức là cuối vòng đời sản phẩm đó có thể tái sinh.

- Vật liệu tự nhiên không phải lúc nào cũng tốt hơn: Việc sản xuất 1 kg gỗ gây ra khí thải ít hơn so với sản xuất 1 kg nhựa. Những chúng ta có nghĩ về sơn bảo quản gỗ, năng lượng cần thiết để sấy khô, thiệt hại do xẽ, cưa ?

- Đừng đánh gía thấp về tiêu thụ năng lượng: Nhiều nhà thiết kế tập trung sự chú ý vào nguyên vật liệu mà không chú ý đến tiêu thụ năng lượng trong sản xuất và vận hành, sử dụng sản phẩm.

- Tăng thời gian sống của sản phẩm: Muốn vậy phải làm cho sản phẩm bền hơn, lâu lỗi thời hơn. Nhưng tốt nhất là cố gắng thiết kế sản phẩm để có thể làm cho người sử dụng cảm thấy gắn liền với nó, không bị chán và vì vậy sản phẩm không bị vứt bỏ sớm.

- Không thiết kế sản phẩm, nhưng tăng cường dịch vụ: Người ta không phải lúc nào cũng muốn có một sản phẩm. Họ muốn có một giải pháp cho một vấn đề nào đó. Đôi khi dịch vụ chứ không phải là một sản phẩm mới là giải pháp đúng. Ví dụ như người mua có thể đặt hàng và thanh toán chiếc bình gốm trang trí, chậu cây cảnh có giá trị cao một cách thuận lợi qua internet.

- Sử dụng tối thiểu nguyên vật liệu: Nhưng đó không phải chỉ là giảm kích thước, trọng lượng sản phẩm mà là cải tiến hoặc áp dụng công nghệ mới.

- Sử dụng nguyên vật liệu tái sinh: Không chỉ sản xuất các sản phẩm có thể tái chế mà cố gắng sử dụng vật liệu tái sinh càng nhiều càng tốt.

- Sản xuất sản phẩm có thể tái chế: Hầu hết các sản phẩm có thể tái chế nhưng chỉ những sản phẩm có thể tháo rời một cách dễ dàng và có số lượng đủ lớn sẽ được chọn để tái chế.

- Hãy hỏi những câu hỏi ngớ ngẩn: Thường chúng ta nghe câu: “Chúng tôi đã luôn luôn thực hiện nó theo cách này và nó đã luôn luôn cho kết quả tốt”. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên hỏi một cách đơn giản “tại sao hoặc vì sao”, bạn sẽ có thể cải thiện các yếu tố tác động môi trường của sản phẩm.

Để thúc đẩy làng nghề tham gia thiết kế và sản xuất sản phẩm sinh thái, Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương và các địa phương cần có chủ trương và chính sách khuyến kích sản xuất các sản phẩm sinh thái. Trước hết, các cấp địa phương lập danh mục các sản phẩm sinh thái; cơ quan trung ương chủ động thiết lập các mục tiêu phát triển làng nghề bền vững, xây dựng danh mục sản phẩm có số lượng lớn và phổ biến như mây, tre lá để thúc đẩy hành động có tính chiến lược, tổ chức huấn luyện, phổ biến kiến thức, thúc đẩy phát triển sản xuất, sáng tạo sản phẩm mới gắn với tổ chức thị trường, hình thành thương hiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sinh thái của Việt Nam.

NGUYỄN LỰC
_________________
(i) Theo wikipedia.
(ii) Dấu chân sinh thái (ecological footprint) là thước đo nhu cầu của con người đối với các hệ sinh thái của Trái đất. Khái niệm này được đưa ra nhằm so sánh nhu cầu của nhân loại đối với năng lực sinh thái tái tạo của Trái đất. Đến nay, nhân loại đã sử dụng 1,5 trái đất để thảo mản nhu cầu, tức là đã sử dụng quá mức
(iii) Tự  điển kinh doanh www. businessdictionary.com
(iiii Theo Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (Centre for the Promotion of Imports from developing countries- CBI), Environmentally sound production: A method for an environmentally sound product: PROMISE. Và các tài liệu khác.


tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét