Những làng chài yên ả ở Bình Thuận


Bình Thuận là tỉnh cực Nam Trung bộ. Là 1 trong những địa phương nằm trong khu vực được xác định là có nền văn hóa biển đậm nhất ở Việt Nam với một hệ thống di sản văn hóa biển đặc sắc, phong phú với đặc trưng riêng. Là một trong những địa phương nằm trong khu vực ảnh hưởng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Có bờ biển dài 192km, với lãnh hải rộng 52.000km2. Là một trong 3 ngư trường lớn của nước ta có trử lượng 240.000 tấn hải sản đánh bắt.

Bờ biển dài, hầu hết ngư dân sống ven biển nên đã hình thành những làng chài từ khi thành lập tỉnh Bình Thuận cách đây trên 300 năm.

Làng chài Mũi Né ở phường Mũi Né Thành phố Phan Thiết là một vịnh nhỏ, quanh năm trời yên biển lặng và rất đẹp. Là bến đổ của hàng trăm ghe tàu đánh bắt xa bờ và cũng là nơi neo đậu của những chiếc ghe đánh lưới thấp. Lưới thấp là đánh bắt gần bờ, ra đi lúc nửa đêm và trở về lúc 8giờ sáng, đây là thời điểm nhộn nhịp nhất ở làng chài Mũi Né vì những chiếc thuyền thúng thoăn thoắt ra vào chuyển tôm cá cho bạn hàng. Làng chài Mũi Né còn thu hút khách du lịch với những resort tuyệt đẹp và cao cấp. Trời trong vắt, nước trong xanh, nắng vàng rực rở, những chiếc thuyền thúng dập dềnh trên sóng và người dân chân chất mến khách là hình ảnh khó quên ở làng chài Mũi Né.

Làng chài Mũi Né

Các làng chài Hưng Long, Bình Hưng, Đức Thắng, Tiến Thành ở Thành phố Phan Thiết, làng chài Tân Thành huyện Hàm Thuận Nam và nhiều làng chài khác ở tỉnh Bình Thuận đã có từ lâu đời, ngư dân đánh bắt cá bằng nhiều loại nghề khác nhau như: vây rút chì; lưới gỉa đơn, gỉa đôi; lưới rùng; câu các loại; rớ; rập ốc hương, tôm  hùm; bóng mực mai ...

Bên cạnh các làng chài đánh bắt thủy hải sản là những làng nghề  phục vụ công tác đánh bắt và chế biến hải sản như: đóng và sửa chữa ghe thuyền; sản xuất lưới cá; làm nước mắm; chế biến hải sản khô.... Những làng nghề này có đã có từ rất lâu và phát triển theo sự hưng thịnh của nghề đánh bắt thủy hải sản.

" Rừng vàng, biển bạc" đã nuôi sống ngư dân từ đời  này sang đời khác. Đi biển đã trở thành cái nghiệp. Con trai ở các làng chài lớn lên chừng mười mấy tuổi đã theo cha đi biển. Mà đã ra khơi rồi thì khó mà bỏ nghề. Biển gần gũi gắn bó, song biển cũng lắm nghiệt ngã, bất trắc, chính vì vậy ngư dân các làng chài đã liên kết hỗ trợ nhau trong những chuyến hải hành. Tỉnh có một đội ngũ tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản khá hùng hậu với 8.800 chiếc, trong đó có 2.200 chiếc có công suất 90 CV với 632 tổ đoàn kết sản xuất, thu hút 100% tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Sản lượng tăng 40-45% so với làm ăn riêng lẻ.

Mục tiêu tỉnh Bình Thuận đề ra trong năm 2015 phấn đấu đưa tỷ trọng tàu đánh bắt xa bờ lên 30-35% trong đội tàu cá của tỉnh. Nâng sản lượng khai thác vùng biển khơi đạt 55-60% trong tổng sản lượng khai thác.

Với chủ trương của Nhà nước hỗ trợ ngư dân bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo, đặc biệt là chính sách cho ngư dân vay đóng tàu vỏ sắt, các làng chài của tỉnh Bình Thuận có điều kiện trang bị phương tiện đi biển và đánh bắt hiện đại để có những chuyến đi biển xa hơn, dài ngày hơn, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh mà trên hết là bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam./.

 Mai Hoa

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét