Nhộn nhịp xóm tàu hủ ky Mỹ Hòa


Xóm tàu hủ ky Mỹ Hòa ( thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) là một trong những làng nghề truyền thống hình thành lâu đời nhất tại địa phương. Đến nay làng nghề này đã tồn tại hơn 60 năm và ngày càng phát triển hơn nữa bên bờ sông Cái Vồn hiền hòa.

Từ thị xã Bình Minh đi theo con đường nhựa lộ cũ rồi qua con đò ngang Bến Chùa là có thể đặt chân đến “thánh địa” của làng tàu hủ ky nổi tiếng nhất nhì trong vùng. Từ  bến đò chúng tôi đã có thể ngửi thấy mùi thơm của sữa đậu hủ thơm lừng tỏa ra khắp xóm. Ghé thăm nhà ông Đinh Công Hoàng (Ba Hoàng)- Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất tàu hủ ky Mỹ Hòa mới thấy khung cảnh làm nghề ở đây vô cùng nhộn nhịp. Từ trước ra sau người thì hối hả vớt váng đậu vắt lên xào tre, người lăng xăng ngâm đậu, xúc than… Ông Ba Hoàng cho biết “xóm làm nghề tàu hủ ky này có từ rất lâu đời không ai nhớ nổi, chỉ biết là lúc trước có ông dượng người Hoa sang đây sinh sống rồi bắt đầu làm tàu hủ ky bán nhỏ lẻ ngoài chợ rồi dần dần hình thành xóm làm nghề tàu hủ ky này”. Ngậm một tách trà rồi ông Ba Hoàng cho biết thêm “ từ trước đến nay cả xóm này nhà nào cũng sản xuất tàu hủ ky, tất cả người trong xóm vẫn cố gắng duy trì sản xuất để giữ được làng nghề cho đến ngày nay”. Theo những người lâu năm làm nghề này, để làm tàu hủ ky không khó nhưng hơi cực. Bước đầu tiên là ngâm đậu nành chừng 2 tiếng để đậu nở và mềm rồi xay thành bột sau đó đưa vào máy vắt lấy nước, nước đậu nguyên chất được bỏ lên chảo đun để lấy váng. Trong các công đoạn làm tàu hủ ky thì công đoạn vớt váng đậu là cực nhất vì người thợ phải đứng canh suốt mấy giờ liền để vớt nhiều chảo đậu được xếp thành hai hàng, rồi phải canh lửa vì nước trong chảo phải duy trì ở khoảng 70 độ C đậu mới lên váng. Người làm tàu hủ ky sợ nhất là vào mùa gió mưa khi đó nước sông đục, đậu không tốt nên tàu hủ sản xuất ra có màu không đẹp. 


Ông Ba Hoàng bên cở sở sản xuất Tàu Hủ ky của mình.

Hiện làng nghề làm tàu hủ ky Mỹ Hòa có hơn 30 hộ làm nghề, trung bình mỗi hộ trừ chi phí sản xuất ra cũng còn lời vài triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra người làm tàu hủ ky còn có thêm thu nhập từ việc tận dụng các phế phẩm của xác đậu nành để nuôi heo hay bán cho các doanh nghiệp làm thức ăn gia súc. Còn công nhân làm thuê cho các chủ lò thì cũng kiếm được thu nhập khoảng 200 ngàn đồng cho mỗi ngày. Chị Trần Thị Ngọc Anh người có nhiều năm làm vớt váng đậu thuê cho biết “nhờ làm nghề này mà có tiền nuôi con ăn học và trang trải tiền sinh hoạt hằng ngày”. Do đặc trưng là nghề truyền thống nên nghề làm tàu hủ ky có thể sản xuất quanh năm. Đặc biệt vào những tháng có rằm lớn hay vào dịp tết thì càng bận rộn hơn, người làm không ngớt tay nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu của thương lái.


Những miếng tàu hủ ky thành phẩm vàng tươi.

Hiện mặt hàng tàu hủ ky Mỹ Hòa đã có mặt khắp các tỉnh ĐBSCL và tp. Hồ Chí Minh. Mới đây cuối năm 2013 làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa đã được cơ quan chức năng chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và cấp giấy chứng nhận riêng cho thương hiệu riêng của mình. Bên cạnh đó còn  được sự quan tâm và hộ trợ vay vốn từ chính quyền địa phương, đây là những tin vui không hề nhỏ và tạo động lực để người làm tàu hủ ky Mỹ Hòa tiếp tục sản xuất và giữ gìn được làng nghề truyền thống của mình.

Mai Hoa

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét