Du lịch làng nghề và nghề thủ công đang thay đổi

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, trong tài liệu Du lịch hướng đến 2030/ Tổng quan toàn cầu (Tourism Towards 2030 / Global Overview), với tốc độ tăng trưởng dự kiến, ngành du lịch sẽ vượt qua mục tiêu 1 tỷ lượt khách vào năm 2012, tăng từ 940 triệu so với năm 2010. Đến năm 2030, con số được dự đoán sẽ đạt 1,8 tỷ, nghĩa là trong thời gian hai thập kỷ tới, mỗi ngày sẽ có 5 triệu người vượt biên giới quốc tế để tiêu khiển, kinh doanh hoặc các mục đích khác như đến thăm bạn bè và gia đình, chưa kể số du khách đi du lịch trong nước gấp bốn lần số đó. Theo đó, ta có thể thấy suy thoái kinh tế toàn cầu đã phủ bóng tối lên mọi số phận, nhưng người dân các nước vẫn có xu hướng tìm cách nào đó để đi du lịch như là cách thắp sáng một phần cuộc sống cá nhân đang chìm vào hoàng hôn của họ.

Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu về khách du lịch đến năm 2015 thu hút 7 – 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 35 - 37 triệu lượt khách nội địa, đạt mức tăng trưởng khách quốc tế 7,6%/năm và nội địa 5,7%/năm. Đến năm 2030 thu hút 18 triệu lượt khách quốc tế và 70-72 triệu lượt khách nội địa, tăng trưởng tương ứng 5,2% và 3,7%/năm. Chiến lược này phản ánh phù hợp với dự báo của thế giới.

Cũng theo Chiến lược này, điều quan trọng là nhu cầu du lịch thế giới có nhiều thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hoá truyền thống (tính độc đáo, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, hoang dã), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng gắn với xoá đói giảm nghèo, du lịch hướng về cội nguồn, hướng về thiên nhiên là những xu hướng nổi trội. Chất lượng môi trường trở thành yếu tố quan trọng cấu thành giá trị thụ hưởng du lịch và, phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường... Vì vậy, một trong các định hướng phát triển sản phẩm du lịch cho giai đoạn tới là tập trung “Phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu văn hoá, lối sống địa phương; phát triển du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân”.

So với số liệu dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới, ngành du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng về “cầu” để tính toán đầu tư phát triển mạnh hơn cho ngành này và chia sẻ thị phần nhiều hơn với các nước khác về “cung” theo xu hướng du lịch đã và đang thay đổi, trong đó có nhu cầu khám phá, trải nghiệm độc đáo, mua sắm sản phẩm địa phương tại điểm đến mà hàng nghề thủ công và ẩm thực địa phương là đại diện và đầy triển vọng.

Trên thực tế du lịch Việt Nam, hầu hết các chương trình du lịch (tour), các doanh nghiệp lữ hành đều thiết kế các điểm tham quan làng nghề. Có điều là chưa có doanh nghiệp nào liên kết các làng nghề và những gì liên quan đến nghề thủ công truyền thống để tạo thành một tour du lịch về nghề thủ công chuyên sâu, hấp dẫn hơn. Người ta chú trọng sáng tạo “con đường gốm sứ” để thỏa mãn “cái nhìn” mà chưa thấy có một “con đường gốm sứ” khác tồn tại hàng ngàn năm mà du khách muốn đi xuyên qua để trãi nghiệm, suy ngẫm về một dòng chảy văn hóa liên tục, chứa đựng nhiều thông điệp của hàng bao thế hệ. Có một con đường gốm sứ khác, là ký ức của một dân tộc. Tại sao cha ông ta sống được, họ đã làm gì, làm như thế nào?... để tồn tại và còn để lại di sản cho đời sau? Các công trình kiến trúc xưa như đền, chùa, nhà cổ...; các hiện vật trưng bày trong bảo tàng… là di sản, chúng được tạo ra bởi bàn tay những thợ thủ công bậc cao, các nghệ nhân xưa. Các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề hiện tại đang thực hành lưu giữ, kế thừa, tái hiện và phát triển các nghề thủ công tinh xảo từ xa xưa đó. Khám phá cả quá khứ và hiện tại về nghề thủ công của một đất nước, mỗi vùng, miền đều trở thành một phần không thể thiếu trong bất kỳ hành trình nào của du khách. Người thợ thủ công (trong “sĩ, nông, công, thương”) xưa và thợ thủ công ngày nay liên tục đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế và văn hóa của đất nước, đặc biệt quan trọng trong bảo tồn truyền thống, văn hóa, sáng tạo mới và phổ biến di sản.Du lịch là kênh truey62n thông thời nào cũng có. Sự hồi sinh và phát triển các làng nghề nước ta trong vài chục năm qua không chỉ tạo ra công ăn việc làm mà còn đóng góp tích cực cho nhiều mục tiêu phát triển khác. Du lịch và nghề thủ công không tách rời nhau. Du lịch mang lại cơ hội cho nghề thủ công và nghề thủ công đóng góp cho ngành du lịch trong việc thỏa mãn nhu cầu của du khách và tăng doanh thu.


Cũng xin nói thêm, không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết quốc gia đang phát triển, sản xuất thủ công mỹ nghệ là một hình thức việc làm chính và là một bộ phận quan trọng của các nền kinh tế xuất khẩu. Nghệ nhân và thợ thủ công là lực lượng lao động nông thôn lớn thứ 2 sau khi nông nghiệp và dự đoán lực lượng này ngày càng tăng lên do tác động của đô thị hóa. Lực lượng này tạo ra sự cạnh tranh gay gắt để tồn tại, nhưng cũng có thể làm nên những kỳ tích làm thay đổi bộ mặt xã hội nếu được nuôi dững, phát huy. Có thể nói sản xuất thủ công vượt qua tất cả các giai đoạn của nền kinh tế toàn cầu từ tiền công nghiệp đến công nghiệp và hậu công nghiệp... Sản xuất của thợ thủ công phát triển dễ dàng hơn vì sản phẩm thủ công cung cấp những lợi thế như: vốn khởi nghiệp tối thiểu, giờ làm việc linh hoạt, có khả năng làm việc ở nhà, và tự do sáng tạo, tự do quản lý hoạt động kinh doanh của mình. Là một phương tiện sinh kế, nhưng nghề thủ công mỹ nghệ cung cấp một con đường sáng tạo lý tưởng nhất nhì, tạo ra đội ngũ doanh nhân độc lập. Hơn nữa, nghề thủ công cung cấp cơ hội cho việc làm theo mùa, khi bế tắt việc làm ăn...và cho khu vực sản xuất nhỏ. Thời nào nghề thủ cũng cũng tồn tại, thời nào cũng có một lực lượng kế tục và phát triển di sản. Nhà nước cần có chính sách chăm lo, duy trì sinh kế của họ và xã hội nên ủng hộ họ để tạo điều kiện cho họ duy trì và phát triển nghề.

“Du lịch và thủ công mỹ nghệ có vẻ đi cùng nhau. Du lịch là một chuyến đi, một cuộc hành trình, một cuộc phiêu lưu, nơi mà thường người ta tìm kiếm một chút gì đó bên ngoài kinh nghiệm cuộc sống bình thường của họ, cho dù đó là cái gì được tìm thấy trong lịch sử, trong di sản, trong thư giãn, đi đổi gió, địa lý hoặc các mặt khác của cuộc sống. Trong một chuyến du lịch thường là cơ hội để du khách gặp gỡ, đánh giá và thậm chí mua “alterity”, đó chính là “tính khác biệt” so với nơi mình sinh sống. Tuy nhiên, hầu hết các du khách hài lòng với một “alterity” được quản lý, tính khác biệt không phải hoàn toàn xa lạ mà cần có các yếu tố quen thuộc. Có quá nhiều “sự không quen thuộc” thường dẫn đến những kinh nghiệm tiêu cực của cú sốc văn hóa” (Xem http://vi.wikipedia.org/wiki/S%E1%BB%91c_v%C4%83n_h%C3%B3a hoặc http://en.wikipedia.org/wiki/Culture_shock .). Trong tiếng Anh, thủ công mỹ nghệ hàm chứa “alterity" được làm bằng tay – tương phản với sản xuất công nghiệp, chuẩn hóa, hoặc làm bằng nguyên liệu nhựa… - họ có thể mang không khí hoài cổ về “Sự tồn tại của một thời quá khứ” khi tất cả mọi thứ đã được làm bằng tay, hoặc được thực hiện bởi những người vẫn còn sống với một lối sống có thể giúp cho du khách thấy được quá khứ, hiểu được rằng nhờ dựa vào nghề thủ công và tài năng, họ đã làm hầu hết những thứ hữu ích cho cuộc sống của họ. Thủ công mỹ nghệ hấp dẫn đối với khách du lịch từ các xã hội hiện đại, nơi hàng thủ công mỹ nghệ gợi nhớ về quá khứ, có thể đó là lối sống của cha mẹ và ông bà họ, hoặc có thể họ chứng tỏ liên quan đến sở thích như làm vườn, gốm sứ, dệt kim, dệt và các hoạt động khác nhẹ nhàng, thư thái như không làm việc theo áp lực sinh kế.

Một điều có thể giải thích vì sao làng nghề, nghề thủ công truyền thống, sản phẩm thủ công mỹ nghệ là nguồn tài nguyên cho ngành du lịch. Đó là du khách đến thăm các làng nghề không phải chỉ mua sản phẩm mà còn mua cả những trãi nghiệm.


 Sự đa dạng về kỹ năng nghề thủ công và xu hướng tiêu dùng hiện tại tạo ra sự kết hợp hợp giữa truyền thống và hiện đại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân ở nhiều góc độ văn hóa, kinh tế, khoa học, kỹ thuật… xảy ra trên quy mô toàn cầu. Trong vài chục năm qua, xã hội và nền kinh tế thế giới đã có hàng loạt các thay đổi tác động đến tất cả các lĩnh vực này. Riêng về văn hóa, toàn cầu hoá đã tạo ra một sự đa dạng cho các cá nhân nhờ được tiếp xúc với các nền văn hoá và văn minh khác nhau. Toàn cầu hoá giúp con người hiểu hơn về thế giới và những thách thức ở quy mô toàn cầu qua sự bùng nổ các nguồn thông tin, việc phổ thông hoá hoạt động du lịch, việc tiếp cận dễ dàng hơn với giáo dục và văn hoá; một sự đồng nhất đối với các dân tộc qua ảnh hưởng của các dòng chảy thương mại và văn hoá mạnh (wikipedia). Những tác động này buộc các quốc gia phải tìm cách để tạo ra sự khác biệt mà trong đó việc bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa là sự lựa chọn của hầu hết các quốc gia. Phát triển nghề thủ công là một trong những cách thích nghi, trao đổi văn hóa và cả việc đối phó với các tiêu cực của toàn cầu hóa.

Sự thay đổi này đã thúc đẩy các nhà sản xuất phải thay đổi sản xuất căn cứ theo các tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa, môi trường. Nhà sản xuất chú trọng nhiều hơn đến “vật liệu đạo đức” như các vật liệu tái sinh, sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương, thay đổi nguyên liệu, thực hiện sản xuất bền vững, thương mại công bằng (fair trade). Các nhà sản xuất thủ công mỹ nghệ các nước cũng đã thay đổi thực hành (quy trình sản xuất, công nghệ) của họ để đáp ứng các vấn đề liên quan đến môi trường, đã cố gắng sử dụng vật liệu bền vững hoặc nhạy cảm với môi trường, và sử dụng các nhà cung cấp vật tư, nguyên liệu địa phương (trong nỗ lực giảm bớt ô nhiểm do giao thông vận tải). Các bằng chứng ngày càng tăng về biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, nhưng giải pháp địa phương là một phần của câu trả lời cho việc tham gia giải quyết vấn đề này.

Trong nhiều năm gần đây, nền kinh tế đã trải qua thời kỳ hỗn loạn nhất sau nhiều thập kỷ. Trong thời gian này, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ đã đấu tranh để bảo đảm tiền vay từ các ngân hàng, giữ khách hàng, thị trường. Đến nay, triển vọng về nền kinh tế vẫn chưa có gì khả quan. Các nhà sản xuất sụt giảm về giá trị cung cấp cho các kênh bán hàng. Doanh số bán hàng của các nhà bán lẻ suy giảm. Tất cả đang nhìn đến tương lai với sự cẩn trọng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đều công nhận rằng muốn thích ứng với môi trường kinh tế mới sẽ đòi hỏi họ phải thay đổi. Số đông chọn giải pháp phát triển sản phẩm mới hoặc sản xuất sản phẩm khác hoặc tìm kiếm thị trường mới, và tìm cách sử dụng các vật liệu khác nhau với hy vọng tìm sự ổn định.

Tại Việt Nam, hầu như tỉnh nào cũng có làng nghề và những sản phẩm thủ công độc đáo, nổi tiếng. Khách du có thể lựa chọn tùy thích những mặt hàng thủ công cho tiêu dùng, trang trí, làm quà tặng bằng các chất liệu địa phương khác nhau. Vẻ đẹp phản ánh trong hàng thủ công được kết hợp với thiên nhiên, hệ thực vật, động vật, các truyền thuyết, điển tích… là tuyệt vời. Tuy nhiên, muốn phát triển, sự vận hành của các làng nghề phải cùng nhịp độ với sự vận hành của thời đại, phải thích ứng với các thay đổi.

NGUYỄN LỰC

- Ảnh: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Vĩnh Phúc

tom @ pooh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét